Điều chỉnh ranh giới, không thu hẹp diện tích
Năm 2010, Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau được thành lập theo Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận, với tổng diện tích là 12.500 ha. Mục tiêu của KBTB Hòn Cau là bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và một số loài quý, hiếm.
Đến năm 2016, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho ý kiến về việc cắt giảm một phần diện tích thuộc vùng phục hồi sinh thái phía bắc KBTB Hòn Cau, nhằm xử lý chồng lấn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lí do được Sở này đưa ra là tại KBTB Hòn Cau có sự chồng lấn khoảng 917,69 ha của các hoạt động kinh tế, gồm: Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (519,84 ha), Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (194,13 ha), Dự án chứa chất nạo vét của cụm dự án điện và cảng quốc tế Vĩnh Tân (156,5 ha) và khu neo đậu tàu thuyền, vùng nuôi thủy sản lồng bè của ngư dân địa phương.
Các công trình nói trên không những ảnh hưởng đến chức năng của KBTB, khó đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn đã đề ra mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội nêu trên. Tuy nhiên, đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận đã không được sự đồng thuận của Bộ NN&PTNT. Do vậy, tình trạng chồng lấn tại KBTB Hòn Cau từ năm 2016 đến này chưa được xử lý dứt điểm.
Ở giữa khoảng thời gian này, ngày 8/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong đó, quy định về các phân vùng chức năng của KBTB có sự điều chỉnh lại so với Nghị định 57/2008/NĐ-CP trước đây. Cụ thể, KBTB được phân thành 3 phân khu chức năng là: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phục hồi sinh thái; Phân khu dịch vụ - hành chính và Vùng đệm.
Theo đó, Chính phủ quy định các KBTB được lập trước đây phải tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý trước ngày 1/1/2020. Nắm bắt theo quy định mới này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án “Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới KBTB Hòn Cau” (gọi tắt là Đề án) với mục tiêu xử lý dứt điểm các khu vực chồng lấn tại KBTB Hòn Cau gắn với yêu cầu đảm bảo hài hòa công tác bảo tồn biển.
Tuy nhiên qua 4 năm (từ 2019-2023), quyết định cuối cùng chưa được đưa ra vì nhiều lí do khách quan. Tuy nhiên, từ tháng 12/2023 này KBTB Hòn Cau sẽ được điều chỉnh ranh giới, không thu hẹp diện tích và được phân các khu chức năng rõ ràng hơn để thực hiện song song công tác bảo tồn biển và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Diện mạo mới, mở rộng không gian phục hồi sinh thái
Theo thông báo mới nhất của UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực biển ven bờ phía bắc (bao gồm cả Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, khu vực neo đậu tàu cá của ngư dân) được điều chỉnh đưa ra khỏi phạm vi KBTB Hòn Cau. Thay vào đó, diện tích KBTB Hòn Cau sẽ được mở rộng tương ứng diện tích về phía nam, khu vực qua khảo sát đáp ứng các tiêu chí về bảo tồn nhằm bù lại phần diện tích đã đưa ra và tăng thêm diện tích bảo tồn.
Cụ thể, KBTB Hòn Cau sau điều chỉnh bao gồm vùng biển và đảo Hòn Cau có phạm vi nằm trong vùng biển ven bờ các xã: Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh. Ranh giới xác định bởi đường bờ biển các xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh và các điểm A1, B1, C, D, E, F1, F2, F3 có tọa độ xác định.
Trong đó, điểm A1 (ranh giới trong bờ phía bắc của KBTB) thuộc xã Vĩnh Tân, cách ranh giới phía Nam của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 630 m; điểm B1 (ranh giới trong bờ phía Nam của KBTB) nằm phía Đông mũi La Gàn thuộc xã Bình Thạnh; các điểm C, D, E (ranh giới ngoài phía Đông của KBTB) giữ nguyên như trước đây tại Quyết định số 2606 ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh; điểm F1 (ranh giới ngoài phía Đông Bắc của KBTB) cách luồng tàu của cụm Nhà máy nhiệt điện và cảng than 270 m.
Như vậy, tổng diện tích KBTB Hòn Cau sau điều chỉnh là 16.535,5 ha, trong đó diện tích biển là 16.467,5 ha và đất (đảo Hòn Cau) là 68 ha, tăng 4.035,5 ha so với diện tích trước đây. Trong đó, riêng phần diện tích biển tăng 4.107,5 ha. Ngoài ra, KBTB Hòn Cau gồm 3 phân khu chức năng và vùng đệm gồm: Phân Khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 1.451,5 ha tăng 201,5 ha so với hiện trạng, bao gồm 2 khu vực là bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Cau (551,5 ha) và bãi cạn Brenda (900 ha).
Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích là 963,7 ha biển, tăng thêm 155,7 ha so với hiện trạng. Phân khu dịch vụ - hành chính có diện tích là 14.120,3 ha (gồm: 14.119,3 ha biển và 1 ha đất trên đảo Hòn Cau được điều chỉnh từ Vùng bảo vệ nghiêm ngặt trước đây sang phân khu dịch vụ hành chính để đầu tư các hạng mục công trình phục vụ Đề án phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng theo Quyết định số 3106/QĐ-UBND ngày 4/12/2019), tăng 4.887,3 ha biển và 1 ha đất so với hiện trạng.
Cuối cùng là Vùng đệm có diện tích là 1.356 ha, được thiết lập nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài đối với KBTB Hòn Cau. Như vậy, sau gần 8 năm đề xuất, KBTB Hòn Cau đã được điều chỉnh diện tích theo hướng tăng lên, phân định các khu chức năng với không gian biển riêng biệt cho từng thành phần kinh tế và bảo tồn chấm dứt được những xung đột tại các vùng chồng lấn qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học.