Liên quan đến đề xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường như giá xăng, trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh giá điện đang được xem xét, song không thể theo chu kỳ ngắn như điều chỉnh giá xăng.
Theo ông Hải, hiện giá xăng điều chỉnh 10 ngày một lần. Vừa qua có ý kiến người tiêu dùng, doanh nghiệp, chuyên gia và các lãnh đạo về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng.
Hiện, Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định 85 và Nghị định 93, lấy ý kiến các đối tượng, theo hướng chu kỳ điều hành giá xăng ngắn hơn, dưới 10 ngày.
Về giá điện, ông Hải cho biết, quyết định 24 của Chính phủ đã quy định cơ chế điều hành giá điện trong năm, theo đó EVN phải cập nhật thông số đầu vào, tính toán lại giá bán lẻ bình quân, nếu đầu vào tăng từ 3% trở lên thì giá điện được tăng và giảm tương ứng.
“Giá điện đặc trưng khác giá xăng dầu, chi phí đầu vào tính theo mùa khô và mùa mưa. Mưa thì nước về hồ thuỷ điện nhiều, chi phí sản xuất thấp hơn so với mùa khô phải huy động nhà máy nhiệt điện nhiều hơn, giá đắt hơn”, ông Hải cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân là 6 tháng. Lần cuối điều chỉnh là 20/3/2019, đến tháng 3/2023 là 4 năm nhưng chưa điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá điện phải đánh giá cân nhắc kỹ, báo cáo Chính phủ phương án trước khi thực hiện.
Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất tăng giá điện của EVN.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu phương án đề xuất của EVN, xây dựng lộ trình tăng giá điện trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố như lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
“Bộ Công Thương sẽ tính toán kỹ và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo sự tác động nhỏ nhất trong trường hợp điều chỉnh tăng giá điện”, ông Hải nói thêm.
Tặng quà Tết là nét đẹp văn hóa mang giá trị tinh thần, không đặt nặng vật chất Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối 3/1, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thị Thủy trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc biếu tặng quà Tết mang ý nghĩa truyền thống tốt đẹp, tránh bị biến tướng thành hiện tượng tiêu cực. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thị Thủy cho biết, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, trong đó có nội dung nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị liên quan đến nội dung này. Trong đó, Chỉ thị của Thủ tướng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chỉ thị của Ban Bí thư. Về khía cạnh văn hóa truyền thống, bà Thủy cho rằng, Tết luôn có một ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người dân Việt Nam. Truyền thống tặng quà Tết là nét văn hóa rất tốt đẹp, qua đó thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc bề trên, những người cao tuổi cũng như của nhiều người dân trong cuộc sống hàng ngày, không đặt nặng vấn đề vật chất. "Giải pháp hết sức quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được giá trị của Tết truyền thống, cũng như giá trị văn hóa của tặng quà Tết để thực hành cho đúng truyền thống văn hóa của người Việt Nam chúng ta. Đó là giá trị tinh thần chứ không đặt nặng vật chất", bà Thủy lưu ý. |