Có lẽ hiếm phim giờ vàng nào vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều như Bão ngầm. Giữa "bão" khen và chê dành cho bộ phim giờ vàng này, độc giả VietNamNet liên tục đưa ra các bình luận.

Công an làm phim công an mà không chặt

Không "ném đá" hay chê trách quá nhiều nhưng một bộ phận độc giả thẳng thắn khẳng định Bão ngẫm vẫn còn "sạn" hay những chi tiết không thực. Bạn Trần Minh nhận xét: "Một công an bản lĩnh như Triều mà để người thứ 3 cho sập bẫy tình, và công an lại có một cô gái dùng giường chiếu để câu người yêu của bạn thân thì quá xấu. Đời thì có nhưng không nên xây dựng nhân vật công an như vậy. Đấu đá, cạnh tranh nhau về chức tước là có nhưng tiết lộ bí mật công tác, phá chuyên án của đơn vị để đấu đá là ngu xuẩn, tù mọt gông. Những chi tiết đó không thực, không đúng với cuộc đời. Phần còn lại ok".

Diễn viên Thanh Bi trong phim Bão ngầm.

Độc giả Đức Kỳ Lương cũng "nhặt sạn" của phim: "Những người làm phim Bão ngẫm, kể cả diễn viên và biên tập nhà nhà sản xuất, phần lớn trong ngành công an nhưng xây dựng bộ phim không lột tả được ngành công an. Những cán bộ thoái hoá, biến chất họ không lộ liễu như thượng tá Tuất chưa xem đã lộ ra phần tử thoái hoá thế thì cần gì phải xem nữa? Công an mật (chìm) vào quán cà phê tìm chỗ ngồi không có nghiệp vụ. Công an làm phim công an mà không chặt. Nói chung là còn nhiều sạn".

Bạn ***9589 tỉ mỉ không kém khi phân tích: "Phim Bão ngầm đáng ra chỉ nên để khoảng 30 tập. Nội dung nhiều tập quá lê thê cho một chi tiết. Ông Tuất chẳng thể hiện tài năng gì. Phó phòng mà xuống huyện họp với công an huyện như là vị thế của Giám đốc công an tỉnh. Cô Lam bản lĩnh công an quá yếu, chưa gì đã yêu nhân vật bác sĩ. Công an moi tin từ trong hang ổ quá dễ, quá đơn giản. Lãnh đạo khen Triều quá nhiều, các giải pháp đưa ra không khiến người xem sướng, bất ngờ, vỡ òa"...

Biên kịch nên khiêm tốn đón nhận ý kiến khán giả

Hẳn là từ những "hạt sạn" này, biên kịch của Bão ngầm cũng trở thành nhân vật được "mổ xẻ" kỹ lưỡng. Bạn đọc ***0457 dẫn lại lời của biên kịch phim: "Tôi đã chứng kiến Cao Thái Hà gục xuống giữa thao trường nắng cháy, những đêm đông lạnh 1-2 độ trong hang đá để quay những thước phim" khi nêu ý kiến. "Đừng lấy cái này che cái khác. Phần lớn khán giả đang phản ứng về biên kịch phim và diễn xuất của diễn viên, không phủ nhận việc đóng phim vất vả mà vất vả thì chưa hẳn là phim hay".

Biên kịch Đào Trung Hiếu và diễn viên Nguyễn Hải. 

Bạn Anh Phùng đặt vấn đề về biên kịch: "Tiến sĩ Đào Trung Hiếu có thể rất giỏi về tâm lý tội phạm. Nhưng biên kịch lại là vấn đề hoàn toàn khác". Độc giả có nickname "Người xem" phân tích tỉ mỉ: "Tôi không muốn viết nhưng cũng phải viết vài dòng vì cách xây dựng các nhân vật Hải Triều, Yến..., đặc biệt là Hạ Lam. Tôi đã từng hướng dẫn nhiều nhân viên mới tập sự, kể cả những nhân viên mới rất giỏi, nhanh nhẹn nhưng để làm mà tôi ít sửa lỗi cũng phải mất 3 năm.

Hạ Lam tác giả xây dựng quá khác xa thực tế. Mới ra trường nhưng siêu đẳng, cái gì cũng biết, cũng giỏi cả (nhìn cảnh Hạ Lam lái xe hơi, tắm bồn... cảm giác y như tiểu thư nhà giàu sang chảnh chứ không phải hình ảnh chiến sĩ cảnh sát - rất buồn cười). Rồi phim lại kéo dài thời gian cho những tình cảm lằng nhằng, thiếu hợp lý... trong khi đây đâu phải phim tình cảm. Thử hỏi những tình tiết, cách xây dựng nhân vật như thế có ổn không?".

Bạn đọc Phamnguyen Nguyễn cũng có ý kiến tương tự: "Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng... Phim ảnh chiếu cho công chúng là tác phẩm nghệ thuật mà đã nghệ thuật thì nó phải có giá trị về thẩm mỹ, nhân sinh quan... Tôi không trong ngành công an nhưng xem phim, tôi cũng tức thay cho họ. Xây dựng hình tượng chưa đạt, diễn xuất không có chiều sâu, mờ nhạt, thiếu lý trí bản lĩnh của người chiến sĩ công an nhân dân, đặc biệt nhân vật nữ chính... Âu cũng là do đạo diễn chọn sai diễn viên; biên kịch rườm rà, rối rắm".

Độc giả Thong Tran chia sẻ: "Cả nhà tôi không thích và không xem. Tôi xem một vài tập để đánh giá chất lượng cho đúng, góp ý cho chuẩn, không lại bảo nghe theo mạng xã hội. Góp ý là để làm cho tốt lên thôi".

Người xem đang "vạch lá tìm sâu"?

Bên cạnh những chỉ trích, nhiều độc giả lại khen phim hay. Bạn ***ail.co cho rằng: "Mọi người đang nhầm lẫn giữa phim và đời thực thì phải. Tôi nghĩ, nếu biên kịch có làm màu cho phim 1 chút cũng không sao vì là phim truyện chứ có phải phim tài liệu đâu mà cần đúng 100%. Những phim như này, chỉ những người trong cuộc mới biết nó có phản ánh đúng hay không? Dù thế nào phim vẫn phản ánh đúng hiện thực ở hầu hết các khía cạnh và khán giả hay người trong cuộc cũng phải chấp nhận sự thật: cuộc sống không như màu hồng chúng ta thường nghĩ. Nhà biên kịch và sản xuất chịu trách nhiệm về nội dung và phục vụ khán giả, họ còn lo hơn chúng ta chứ".

Độc giả Hoàng LC nêu ý kiến: "Bão ngầm chưa phải là phim hay nhưng nó cũng góp tiếng nói chân thực của Lực lượng CAND hiện tại".

Còn bạn Phạm Nam Phong đồng ý với ý kiến của TS Đào Trung Hiếu bởi: "Phim phản ánh trung thực văn hóa giao tiếp hiện nay của mọi tầng lớp xã hội, bao gồm một số cá nhân trong các cơ quan thực thi pháp luật. Việc sơ hở, chủ quan của tội phạm chính là chìa khóa để cơ quan công an phá được những vụ án phức tạp, rắc rối xảy ra trong đời sống xã hội. Tuy nhiên điện ảnh phải có chút hư cấu, khác đời thường, anh hùng hóa nhân vật. Thế nên không thể tránh khỏi những tình huống "khác đời thường". Để xem đúng nghĩa giải trí hàng tối cũng chấp nhận được, nếu không muốn xem chuyển sang các kênh khác".

Bạn Hoa Do khẳng định "thấy phim rất hay" khi bày tỏ tâm đắc với câu của tác giả Đào Trung Hiếu, rằng "Bão ngầm không phải công cụ tô vẽ cho hình tượng nào đó". Theo độc giả này, phim phản ánh hiện thực nhưng chủ đề là tôn vinh chiến công của bạn bè, đồng đội và của chính tác giả. Từ đó, biên kịch "muốn kể thế nào là công an, thế nào là điều tra"...

Có khen có chê, các độc giả Như Phương hay ***2529 chia sẻ: "Ý kiến chê bai của một số người mang tính bới móc, vạch lá tìm sâu. Tôi thấy phim đáng xem".

Tiep Ngohuy thì khuyên ê-kíp sản xuất phim: "Đạo diễn có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến phản hồi của người xem. Điều này rất bình thường. Một bộ phim dù hay đến mấy, cũng tránh sao khỏi lời khen chê. Đạo diễn nên giữ chủ kiến và bản lĩnh mới không "đẽo cày giữa đường", nhằm giữ mạch ý tưởng nhất quán của bộ phim".

Lê Cúc (tổng hợp)