- o ngầm là bộ phim được cho là bám sát hiện thực đời sống công tác công an, vậy sự thật ở đây là bao nhiêu phần trăm thưa anh? 

Trước hết phải nói Bão ngầm là tác phẩm văn học trinh thám hình sự mang tính hư cấu. Nghĩa là chuyện phim không phải là dựa theo một vụ án có thật mà là sự sáng tạo, tưởng tượng của tôi. Khi chuyển thể câu chuyện trong tiểu thuyết thành kịch bản phim cùng tên, tôi đã phát triển thêm nhiều nội dung mới không có trong tiểu thuyết nhưng vẫn là hư cấu.

Tuy nhiên, chất liệu xây dựng nên tiểu thuyết và kịch lại là những sự việc, hiện tượng có thật, đã từng xảy ra đối với tôi, với đồng đội, hoặc trong môi trường công tác của tôi trong hành trình trực tiếp cầm súng đấu tranh với tội phạm gần 20 năm qua.

Tiến sĩ, nhà văn Đào Trung Hiếu - biên kịch phim 'Bão ngầm'.

Hiện thực đời sống trong lĩnh vực an ninh trật tự đã được tôi văn học hoá, điện ảnh hoá. Chẳng hạn như việc đánh án, những sự sa ngã, mưu hèn kế bẩn, hay chiến công… đều phảng phất điều đã xảy ra. Thậm chí các nhân vật trong phim cũng được tôi dựa trên những nguyên mẫu có thật. Ở đây tôi xin tiết lộ một chi tiết khá buồn cười là nhân vật Thiếu tướng Hoạch - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Hoà và Thượng tá Tuất chỉ là 1 người. Ở nguyên mẫu này có sự đa nhân cách. Các thái cực đối lập trong nhân cách người này đều điển hình đến mức có thể bóc lớp làm thành một nhân vật hoàn chỉnh. Hiện nguyên mẫu đang ở tù bởi những sai phạm do mặt đối lập tiêu cực trong người đó gây ra.

Trước đó, nguyên mẫu là một anh hùng lực lượng vũ trang. Nói dễ hiểu là anh ấy rất giỏi, có thể nói là một “cao thủ” trong nghề điều tra, nhưng “ngã ngựa” bởi không kiểm soát được lòng tham khi có quyền hành trong tay nên đã phải trả giá. Trường hợp khác đó là nhân vật Đào Hải Triều. Trong số phận, cá tính của nhân vật này có một phần của chính tôi. Bởi vì tôi đã từng là một trinh sát hình sự trong nhiều năm, đã làm những việc như Hải Triều nên mới có chất liệu và cảm xúc thật để viết ra nhân vật này.

Chuyện người lính đứng trước sự lựa chọn, ranh giới đúng sai cũng là những điều chính bản thân tôi từng trải qua. Hồi tôi còn làm việc ở đội điều tra trọng án, phòng CSHS Hà Nội, có thời gian phải đi thuê nhà vì rất nghèo không có tiền mua nhà riêng. Ngôi nhà chừng 20 m2 cho 3 người, nhiều đêm tôi phải thức viết báo để có thêm thu nhập trả tiền nhà. Khi đó tôi là điều tra viên thụ lý một vụ trọng án, người nhà bị can thông qua một người bạn của tôi “bắn tiếng” rằng nếu con họ thoát án tử thì sẽ sang tên cho tôi ngôi nhà trên phố Bạch Mai. Tất nhiên tôi từ chối thẳng thừng vì lương tâm nghề nghiệp không cho phép làm sai lệch hồ sơ. Nhưng quyết định ấy cũng phải trải qua nhiều suy tư. Trải qua cung bậc cảm xúc đắn đo, lựa chọn, nên tôi mới viết về cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội tâm người lính khi phải lựa chọn trung thành hay phản bội, phụng công hay tư lợi, thông qua nhân vật Thiếu uý Vũ Hạ Lam.

- Phim 'Bão ngầm' mô tả nhiều hiện tượng trần trụi, trong đó có những tình tiết nhạy cảm về nghề công an, lý do gì tiến sĩ ‘dám’ đưa những sự thật ấy lên phim?

Trong phim Bão ngầm, mặc dù với tư tượng chủ đề là tôn vinh người lính trinh sát với chiến công và hy sinh thầm lặng của họ. Nhưng tôi đã không mô tả người chiến sĩ công an như những ông thánh, không cố gắng tô vẽ, thần thánh hoá họ vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, tôi cũng chính là người lính, với đầy đủ các sắc thái tâm lý ái ố hỷ nộ như bất kỳ con người nào. Bên cạnh những ưu điểm, cũng có nhiều hạn chế, hàng ngày chính bên trong tôi cũng xảy ra những cuộc đấu tranh giữa tốt và xấu, thiện và ác. Đồng đội tôi cũng vậy, có người thành anh hùng nhưng cũng có người bị khởi tố. Hiện tượng hơn 40 tướng lĩnh lực lượng vũ trang bị khởi tố hình sự trong những năm qua, thậm chí đến tầm thứ trưởng cũng bị xử lý trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, bài trừ tham nhũng, tiêu cực… là minh chứng thuyết phục nhất cho vấn đề này. Nếu tả họ như thánh thì làm gì có chuyện đó. Và tả như thánh thì ai tin vào câu chuyện tôi kể.

Thứ hai, ngay trong mỗi người cũng đã chứa đựng những mặt đối lập thì trong nội bộ cơ quan tổ chức đương nhiên tồn tại điều này. Nếu không có ác, sẽ không có thiện và cuộc đấu tranh giữa chúng để kể. Cái ác càng dữ dội thì cái thiện càng mạnh mẽ và tạo nên sức hấp dẫn của xung đột.

Thứ ba, tôi hiểu trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, người dân với nền tảng dân trí ngày càng cao, sẽ không còn dễ dãi tin vào những thứ mà họ thấy trong văn học, điện ảnh, nếu không thấy đúng như hiện thực đang diễn ra trong cuộc sống. Kể một câu chuyện thuyết phục là phải dám đối mặt, dám đối kháng với những quan niệm chật hẹp, phải sáng tạo với biên độ tư duy rộng hơn, chân thực với đời sống hơn, thì mới có tính thuyết phục.

Thứ tư, nếu tả người lính như thánh, thì đương nhiên anh ta phải làm được việc của thánh thần. Ở đây tôi tả họ là người, nhưng nhiều người đã vượt lên cám dỗ, thử thách và làm được việc của thánh thần, đó là bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Đó mới là thứ tôi muốn nói, muốn kể.

Sau khi phim được chiếu, nhiều người phê phán phim làm xấu đi hình ảnh người lính. Tôi thấy phản ứng này rất có thể đi ra từ quan niệm mang tính khuôn mẫu xưa nay. Có thể thấy văn học nghệ thuật về đề tài người lính vẫn theo lối mòn xưa cũ, vẽ họ toàn thiện, toàn mỹ. Vì vậy khi thấy những sự thật trần trụi, sự khó chịu xảy ra như một lẽ đương nhiên. 

Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại tư tưởng chủ đề của phim Bão ngầm là tôn vinh người chiến sĩ công an, vì đó là bạn bè, đồng đội và là chính tôi những năm tháng đã qua. 

Chủ đề tư tưởng của bộ phim là tôn vinh chiến công của lực lượng công an trong đấu tranh tội phạm và trong sạch nội bộ, hoàn toàn không có mục đích móc máy, bóc mẽ ai đó hay chuyện gì đó. Những nhân vật tốt trong phim rất nhiều, như thiếu tướng Hoạch, đại tá Hà, Thiếu tá Thắng, Đại uý Triều… là gương công an tốt, là chủ đạo trong ngành công an. Phim có phản ánh các hiện tượng tiêu cực trong ngành nhưng đó chỉ là thiểu số. Những nhân vật như Tuất, Lâm chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng tôi phải kể về họ mới có cớ kể về cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ. 

TS Đào Trung Hiếu cùng hai nữ diễn viên Thanh Bi và Cao Thái Hà trên phim trường. 

- Đây là bộ phim có tính hiện thực nên sẽ khó chiều theo lòng của khán giả?

Đây không phải thể loại phim sitcom mà có thể sửa kịch bản sau khi được khán giả phản hồi. Tôi mong muốn kể một câu chuyện thật nhất có thể về cuộc chiến đấu với tội phạm hiện nay. Tôi không dừng lại ở cuộc chiến đấu với nguy hiểm của tội phạm, mà còn có cuộc chiến đấu trong sạch nội bộ và cuộc chiến đấu nội tâm mỗi người lính đứng trước tư lợi. Những điều đó đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, tôi chỉ đơn giản là một người kể hiện thực, không đặt ra cho mình trách nhiệm phải tô màu hiện thực hay sai lệch hình ảnh nào đó theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.

- Nhưng nếu làm phim mà không chiều lòng khán giả thì 'gạch đá' nhận về sẽ nhiều vô cùng. Những ngày qua có lẽ anh cũng thấy được điều đó? 

Phim có rất nhiều lời khen chê, chứng tỏ đang thu hút được sự quan tâm đông đảo của khán giả xem truyền hình cả nước. Chỉ số rating đạt 5.3 trong nhiều tháng là minh chứng cho điều này. 

Về lời khen, nhiều người đánh giá bộ phim đã góp một tiếng nói trung thực, thẳng thắn về hiện thực đời sống. Xúc động nhất là có nhiều anh em, đồng đội, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an gọi cho tôi và nói họ thấy có mình trong phim. Với tôi đây là lời khen quan trọng nhất. Bởi vì tôi viết kịch bản này là thay đồng đội kể lại những câu chuyện của họ. Có anh vẫn chê, bảo tôi mới mon men hiện thực. Điều ấy đúng, vì những điều tôi kể chỉ là chấm phá, không thể nói thật, kể hết hiện thực.

Tôi cũng không cầu danh lợi, chỉ làm những việc tôi cho là đúng, tốt cho xã hội, tốt cho nhiều người. Những người đang có dấu hiệu suy thoái đạo đức cũng có thể nhìn thấy kết cục của người khác mà rút ra bài học. Tôi hoàn toàn bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành công an.

Hàn Triệt