- Bất kể kết quả thanh tra việc cổ phần hoá ra sao, để hồi sinh và phát triển, không có cách nào khác là VFS phải tự đứng trên đôi chân của mình.
Quê nội tôi ở một vùng miền núi xa xôi, thi thoảng có những đoàn xe chiếu phim di động đến. Đó thực sự là những ngày hội lớn, khi người dân từ khắp xã đổ về sân vận động xem phim. Bây giờ, dù thậm chí không nhớ đã từng xem phim gì, tôi vẫn có ấn tượng rất sâu đậm với nhà sản xuất của những bộ phim đó, Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS).
Thấm thoắt thời gian trôi qua, đến ngay cả vùng quê biên viễn của tôi cũng có đủ các kênh truyền thông giải trí, từ TV cho đến internet. Cái rạp nhỏ ở thị trấn huyện, nơi ngày xưa thường chiếu phim Việt, cũng đã đóng cửa. Những người hùng của ngày xưa, VFS, sống lay lắt mấy chục năm qua và buộc phải cổ phần hoá.
Nhiều người kỳ vọng bước đi cổ phần hoá sẽ giúp VFS thích nghi hơn với thời cuộc. Thế nhưng đường đi của VFS không trải đầy hoa hồng. Những lùm xùm xung quanh quy trình cổ phần hoá và ông chủ mới kéo dài hơn một năm qua, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. Trong buổi làm việc mới nhất, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng để thanh tra lại quá trình cổ phần hoá của doanh nghiệp này.
Tôi mong với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, những “nghi án” đất vàng hay các vấn đề lùm xùm khác liên quan đến giá trị thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, và đời sống của cán bộ - nhân viên VFS sẽ được làm rõ. Nhưng có một điều tôi tin chắc sẽ không thay đổi: chủ trương “xã hội hoá” những doanh nghiệp như VFS.
Từng là con cưng của nghệ thuật cách mạng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ, VFS không còn là chính mình khi đất nước đổi mới với sự cạnh tranh khốc liệt từ phim nước ngoài và phim tư nhân. Hãng làm ăn bết bát trong 20 năm trở lại đây và có mức lỗ luỹ kế lên đến 40 tỷ đồng (tính đến năm 2014). Bộ phim gần đây nhất mà công chúng biết tới mang thương hiệu VFS, “Sống cùng lịch sử”, lại nổi danh theo cách không đáng có: phim mất đến 21 tỷ đồng tiền ngân sách nhưng không có người xem sau khi công chiếu.
Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử |
Điệp khúc lỗ vẫn tiếp tục cho đến khi VFS được cổ phần hoá là điều dễ hiểu, bởi doanh nghiệp này chỉ làm được khoảng một bộ phim đặt hàng từ nhà nước một năm, nhưng lại gánh lên mình rất nhiều chi phí liên quan đến nhân sự và quản lý. Trong khi đó, với hạ tầng và dụng cụ làm phim cũ nát do không ai đầu tư, các nghệ sĩ thì phải tự bươn chải kiếm sống, liệu có ai dám “liều mạng” thuê VFS làm phim, trong khi thị trường dày đặc những hãng phim tư nhân xuất sắc và nắm được thị hiếu người xem?
Thị trường lạnh lùng, nhưng rất hiệu quả. Nó chỉ ra rằng VFS, với những gì đang có hiện tại, không thể sống với mục đích ban đầu mà nó được sinh ra: làm phim. Nhà nước đã rất ưu ái với VFS khi vẫn hỗ trợ ngân sách để doanh nghiệp tồn tại dù thua lỗ triền miên, nhưng cái gì cũng có giới hạn. Bao cấp nhà nước vừa làm cho doanh nghiệp ỷ lại, vừa là thiếu công bằng với những hãng tư nhân khác vô cùng vất vả để có vị trí trong ngành công nghiệp giải trí như hiện nay.
Với những người đóng thuế, cũng sẽ là bất công nếu bắt họ phải trả tiền cho hoạt động giải trí, tuyên truyền chỉ phục vụ cho một nhóm người, có chất lượng thấp, hoặc chỉ đơn giản là thứ mà họ không thích. Điều này hoàn toàn khác với những người xem phim ở rạp, họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn để xem một bộ phim yêu thích, và qua đó giúp sức hãng phim tồn tại.
Kinh tế thị trường không còn chỗ cho sản xuất phim theo kế hoạch, bất chấp thị hiếu của khán giả. Công chúng trả tiền vé mới là những người quyết định sự thành bại của hãng phim. Đó có thể là bài học mới với VFS, nhưng là thứ mà toàn bộ những bộ phận khác trong nền kinh tế đã phải học trong vòng 30 năm qua, từ khi nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới. Bài học này, nếu học được, sẽ chỉ có lợi cho VFS trong dài hạn. Nên nhớ, những hãng phim nổi tiếng nhất thế giới, từ Walt Disney, Pixar (Mỹ) cho đến Ghibi (Nhật), đều thuộc sở hữu tư nhân.
Đồng ý rằng với một doanh nghiệp đặc thù và có tuổi đời lâu năm, VFS có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật nước nhà, là niềm tự hào của nhiều thế hệ nghệ sĩ và đã từng được công chúng mến mộ. Vị trí của VFS, vì thế, là không thể gạt bỏ trong lịch sử.
Thế nhưng làm nghệ thuật, có lẽ cán bộ - nhân viên VFS cũng hiểu rằng đỉnh cao không tồn tại mãi mãi. Kể cả những diễn viên xinh đẹp nhất, đạo diễn tài năng nhất, rồi sẽ đến lúc phải rời ánh đèn sân khấu, nhường ngôi cho những lớp người mới lên được công chúng ái mộ hơn. VFS cũng tương tự như vậy. Khi không thể đổi mới, việc họ bị gạt khỏi cuộc chơi thị trường là điều tất yếu.
Bất kể kết quả thanh tra việc cổ phần hoá ra sao, để hồi sinh và phát triển, không có cách nào khác là VFS phải tự đứng trên đôi chân của mình.
Khắc Giang
Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL
Các thách thức dự báo sẽ đến nhanh hơn đối với ĐBSCL. Chính phủ đã nhận rõ điều này và việc tìm giải pháp đã được thúc đẩy nhanh chưa từng có.
Đúng là không có “vùng cấm”!
Lần này soi vào các trường hợp cụ thể vừa bị “sờ gáy” mới thấy thấm thía làm sao.
Ga Hà Nội, bài toán khó của sự thách thức
Không phải ngẫu nhiên mà “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000” vừa được UBND thành phố Hà Nội đề nghị một số bộ, ngành đóng góp ý kiến nhận được sự phản ứng của dư luận.
Khi cổ phần hoá hãng phim lại không vì phát triển điện ảnh
Khi quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, một công ty “sản xuất nghệ thuật” như Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) cũng không nằm ngoài cuộc.