Xu hướng mua sắm mới đây trong ngày 11/11 cho thấy thương mại điện tử đang dần tiến ra các khu vực ngoại thành.

Hãng vận chuyển J&T Express ghi nhận số lượng đơn giao hàng tại Việt Nam trong ngày 11/11 năm nay cao hơn hẳn so với cùng ngày này năm ngoái, đồng thời nhận định thương mại điện tử đang trở thành kênh hàng hoá quan trọng cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Bên cạnh đợt mua sắm lớn nhất năm vừa diễn ra, hãng vận chuyển dự báo ngày Black Friday, Cyber Monday và 12/12 sắp tới sẽ tiếp tục tạo doanh số lớn cho các nền tảng mua bán trực tuyến.

{keywords}
Hàng hoá trên thương mại điện tử đã bắt đầu giao nhiều đến khu vực nông thôn. (Ảnh: J&T)

Đặc biệt, các đơn hàng do J&T Express thực hiện không chỉ giới hạn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội mà lượng đơn hàng cũng có sự tăng trưởng ở các tỉnh thành và khu vực khác.

“Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử không chỉ còn giới hạn ở khu vực thành thị mà còn phát triển và phổ biến sâu rộng hơn ở các tỉnh thành trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh người tiêu dùng đã dần hình thành các thói quen mua sắm trực tuyến trong và sau đại dịch”, phía hãng vận chuyển nhận định.

Điều này phù hợp với báo cáo của Shopee trên quy mô toàn khu vực. Theo nền tảng này, những lễ hội như 11.11 khuyến khích ngày càng nhiều người mua sắm trực tuyến, đặc biệt là những khách hàng không sống ở các thành phố lớn. Số lượng người dùng tại khu vực nông thôn và thị trấn nhỏ mua hàng trên Shopee ngày Độc thân năm nay tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Theo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company mới công bố, kể từ khi bắt đầu đại dịch năm 2021, Việt Nam có hơn 4 triệu người dùng kĩ thuật số mới - người dùng Internet đã sử dụng ít nhất một dịch vụ trực tuyến - đến từ các khu vực nông thôn, chiếm hơn một nửa so với tổng số cả nước.

Ông Steven Tuấn Nguyễn, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo, cho rằng dù có đại dịch hay không, người dân vẫn phải mua các loại hàng hoá cần thiết bất kể là trực tuyến hay trực tiếp. Tuy nhiên, giãn cách khiến việc mua sắm tại cửa hàng khó khăn hơn, do đó một lượng lớn người dân chuyển sang sắm sửa qua mạng.

Trong lễ hội mua sắm ngày 11/11 vừa rồi, tất cả các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee đều ghi nhận tăng trưởng vượt bậc về doanh số, khách hàng, và cả nhà bán mới. Trong đó, Tiki cho hay doanh số của họ đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 11/11.

Để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, phía J&T Express cho rằng, hệ thống giao vận sẽ đóng góp một phần không nhỏ. Nếu các sàn bán hàng trực tuyến mang đến sự kích thích mua sắm cho người dùng qua sản phẩm phong phú, chương trình khuyến mại hấp dẫn thì dịch vụ giao nhận chuyên nghiệp sẽ giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Do đó, dịch vụ giao nhận được xem là nhân tố quan trọng quyết định lợi thế trong cuộc đua của các doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử trong việc tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Những yếu tố sẽ giúp một đơn vị giao vận cạnh tranh trong giai đoạn tới, theo ông Phan Bình – Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, gồm: Gia tăng các giải pháp bảo vệ khách hàng, mở rộng phạm vi giao hàng, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên giao hàng, đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

Hải Đăng

Sàn thương mại điện tử Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có trong ngày 11.11

Sàn thương mại điện tử Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có trong ngày 11.11

Ngày Độc thân 11.11 tiếp tục mang lại doanh số lớn cho các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam, trong đó có bên đạt kỷ lục chưa từng có.