Họa sĩ Vũ Văn Tịch (sinh năm 1989) mới khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Hà Nội, giới thiệu 18 bức tranh sơn mài vừa mang hơi hướng cổ điển, vừa đậm cá tính hiện đại. 

Tác phẩm Ngày gió.

Triển lãm Trong vườn mở ra một khoảng không gian vừa bí ẩn, vừa nên thơ, chất chứa hoài niệm của nghệ sĩ về những khu vườn thời thơ ấu. Qua các bức tranh, họa sĩ cũng thể hiện ước muốn rằng các đô thị hiện đại sẽ có thêm nhiều không gian xanh để con người có thể sống hòa mình với thiên nhiên và có một nơi chốn tĩnh lặng, bình yên để tự do ôm ấp suy tưởng của mình.

Tác phẩm khóm cúc chi.

Chia sẻ với VietNamNet, hoạ sĩ Vũ Văn Tịch cho biết, với các loại tranh khác, tranh sơn mài rất khó thực hiện, có nhiều công đoạn mài ủ và các yếu tố phụ thuộc bao gồm cả độ ẩm và thời tiết. Vật liệu được sử dụng trong sơn mài là các thành phần đến từ tự nhiên.

Ở tranh sơn mài, anh luôn đẩy cao kỹ thuật truyền thống lên, cộng với sự tìm hiểu riêng của bản thân. Từng được học vẽ tranh sơn mài với thầy người Nhật Bản nên Vũ Văn Tịch đã đưa kỹ thuật vẽ này vào tác phẩm để tạo hiệu quả thị giác với khán giả.

Tác phẩm Giấc mơ trưa.

"Tôi ứng dụng các kỹ thuật của mỹ thuật thế giới và với phong cách vẽ tranh của mình để dung hoà, chuẩn hoá tác phẩm của mình. Màu sắc trên tranh sơn mài của tôi không giống màu sơn mài truyền thống vì tôi đã mất một quá trình nghiên cứu để có thể ứng dụng được màu sơn mài của Nhật Bản. Màu chủ đạo của sơn mài truyền thống Việt Nam là màu đỏ, màu nóng, rất hiếm màu lạnh. Tôi đã dùng phẩm màu xanh phủ lên trên nền bạc để tạo ra những màu xanh, màu lạnh. Mỗi một bức tranh tôi đều sử dụng những kỹ thuật và màu sắc riêng.

Với chủ đề Trong vườn, tôi vẽ tất thảy 30 bức, Giám tuyển Vân Vi chọn 18 bức để trưng bày, cô đã có cái nhìn mới mẻ cho câu chuyện trưng bày tranh. Có lẽ chúng tôi có sự đồng điệu trong cách nhìn về mỹ thuật, sáng tạo nên mới có một triển lãm ý nghĩa này" - hoạ sĩ 8x cho biết.

Họa sĩ Vũ Văn Tịch rất tâm đắc với bức "Xương rồng tím" và đây cũng là tác phẩm có thời gian sáng tác rất dài (3 năm) với nhiều công phu.

Giám tuyển Vân Vi chia sẻ, cô có sự đồng cảm và rất hợp gu với những sáng tác của Vũ Văn Tịch. Họ thân quen biết nhau từ năm 2019, quá trình sáng tác của Vũ Văn Tịch, Vân Vi đều hiện diện. Cô nhận thấy sự kỷ luật của nam hoạ sĩ khi ngày nào cũng ngồi làm việc từ 8h sáng tới 4 chiều "rất công sở, không giống như cách làm việc của nghệ sĩ".

Tác phẩm Xuân về.

"Tôi thấy hoạ sĩ ứng dụng nhiều chất liệu mới trong tranh, chịu khó tìm tòi trong nghệ thuật. Khó nhất khi làm triển lãm này là phần phân phối ánh sáng khi trưng bày tác phẩm. Toàn bộ tranh là hệ màu âm tính, chính vì vậy, tôi đã thay đổi nhiều phương án, làm sao cho bức tranh này không được choán hết ánh sáng của bức kia.

Bằng cách sử dụng các kỹ thuật trên sơn mài như kỹ thuật dùng bạc mịn, vẽ xuyên lớp, kết hợp 3 sắc son, cùng việc kết hợp các thủ pháp nghệ thuật như đảo ngược những mảng tối sáng, dùng ngôn ngữ biểu tượng… Văn Tịch đã tạo ra một khu vườn sinh động và rực rỡ", giám tuyển Vân Vi chia sẻ.

Tác phẩm Bên hiên nhà.

"Lịch sử tranh sơn mài ở nước ta có quá trình phát triển chưa đến 100 năm kể từ khi những người thầy đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đưa chất liệu sơn mài trở thành chất liệu sáng tác, những lớp hoạ sĩ thời đó cũng chỉ là những người khai phá chất liệu sơn mài trong tranh. Văn Tịch là hoạ sĩ say mê sơn mài, cái khó nhất của dòng tranh này không phải là kỹ thuật phức tạp hay độ tinh tế mà cái quan trọng là trong quá trình sáng tạo, hoạ sĩ giữ được sự rung cảm cho đến lúc hoàn thành, chính tâm hồn rung cảm của hoạ sĩ đã làm nên những tác phẩm này..." - Giám tuyển Vân Vi bộc bạch.

Tác phẩm Vươn lên.

Triển lãm Trong vườn kéo dài đến 15/11 tại 47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm. Hà Nội.