Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là một xu thế được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt trong một vài năm trở lại đây. Theo số liệu điều tra trong năm 2014, cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động do hoạt động kinh doanh không có lãi, không thích nghi được với môi trường kinh doanh. Do vậy, có thể dự đoán rằng sẽ có nhiều thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp trong giai đoạn tới đây.

Doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài trên thị trường thì việc tăng trưởng bền vững là rất cần thiết. Có nhiều yếu tố giúp doanh nghiêp tăng trưởng bền vững, tùy thuộc vào bối cảnh doanh nghiệp cũng như diễn biến kinh tế chung mà doanh nghiệp lựa chọn biện pháp thích hợp cho mình. Đó có thể là yếu tố về sự hiểu biết thị trường; hệ thống sản phẩm đa dạng; tập trung tiếp thị đến khách hàng; tiềm năng phát triển đội ngũ nhân sự.

Song cũng có cách thức tăng trưởng khác là thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp. Các thương vụ M&A đã giải quyết mục tiêu tăng trưởng cho doanh nghiệp, giúp những doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh hay những doanh nghiệp đang dần chuyển sang giai đoạn mới không muốn rơi vào tình trạng thoái trào.

Các công ty sau khi M&A sẽ có cơ hội mở rộng thị phần và đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Vì thế, những công ty nhỏ với năng lực cạnh tranh còn kém, thị phần ít sẽ là đối tượng bị mua lại hoặc sáp nhập với một công ty khác nhằm cho ra đời một pháp nhân mới có tiềm lực hơn. Điều đó sẽ tốt hơn nhiều so với việc bị phá sản hoặc nếu có tồn tại thì cũng hết sức khó khăn trên thị trường.

Số thương vụ M&A tại Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng đáng kể từ 22% năm 2008 lên 45% năm 2012. Đặc điểm của các thương vụ M&A tại Việt Nam là đều có sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài, chiếm tới 66%. Qua đó cho thấy, Việt Nam hiện đang là một điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

{keywords} 

Một trong những thương vụ M&A đáng chú ý của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam thời gian qua là việc Ngân hàng Công thương Việt Nam Vietinbank bán cổ phiếu cho Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ của Nhật Bản.

Cụ thể, tháng 12/2012, Ngân hàng Viettinbank đã bán 20% cổ phần chiến lược cho Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ trị giá 15.465 tỷ đồng - tương đương 743 triệu USD. Sau thương vụ M&A này, Vietinbank là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất và cơ cấu cổ đông mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay. Hiện vốn điều lệ của Vietinbank đã đạt mức hơn 37.000 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản đạt gần 661.000 tỉ đồng, dẫn đầu trong khối các ngân hàng cổ phần. Qua 2 năm bán cổ phiếu cho Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Vietinbank đạt 1,12%, mức thấp nhất trong tất cả các ngân hàng. Như vậy qua thương vụ M&A, Vietinbank đã gia tăng về vốn điều lệ góp phần nâng cao vị thế của ngân hàng không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế nhờ có cổ đông nước ngoài. Đồng thời, Vietinbank cũng mở rộng mạng lưới; nâng cao năng lực quản trị rủi ro; chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động quản lý; tiết kiệm được chi phí về nhân công; chi phí mở rộng hệ thống, triển khai mạng lưới phân phối...

Song bên cạnh đó, Vietinbank cũng gặp không ít khó khăn. Điều đầu tiên cần phải nói đến đó là tổng tài sản sau thương vụ M&A có tăng nhưng lợi nhuận lại giảm. Năm 2011, khi chưa M&A, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt 8.105 tỷ đồng, năm 2014 sau 2 năm thực hiện M&A lợi nhuận trước thuế là 7.300 tỷ đồng. Ngoài ra, thứ hạng của Vietinbank trong Bảng xếp hạng FAST500 - 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong 2 năm công bố vừa qua cũng có sự thay đổi khá lớn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) giai đoạn 2010-2013 thấp hơn so với giai đoạn 2009-2012 trước đó, cho thấy để thay đổi về chất, Vietinbank đã phải chấp nhận thay đổi mục tiêu từ tăng trưởng cao sang ổn định, tạo đà cho sự phát triển bền vững sau này.

Điểm hạn chế lớn nhất M&A hiện nay là khâu trung gian thiếu công ty môi giới và tư vấn chuyên nghiệp, thiếu những kiến thức cơ bản về hoạt động M&A như: quy trình thực hiện M&A, các quy định pháp luật về M&A, cách tìm đối tác chiến lược... Bên cạnh đó, sự thiếu thông tin và hiểu biết về các doanh nghiệp tham gia M&A tại Việt Nam cũng là cản trở không nhỏ cho quá trình M&A hiện nay. Do vậy, nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp nước ngoài khi tính đến chuyện M&A tại Việt Nam là khá cao, đòi hỏi sự minh bạch từ chính sách tới cấp doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần áp dụng những chuẩn mực quốc tế về quản trị, kiểm toán tài chính doanh nghiệp... để cuộc chơi M&A được công bằng và hiệu quả.

Buổi Lễ công bố và tôn vinh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015 dự kiến sẽ được Vietnam Report và VietnamNet tổ chức vào ngày 22/4/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Trung Hoàng