Hơn 60% người dân Hy Lạp phản đối thắt chặt chi tiêu trong cuộc thăm dò dư luận hôm Chủ Nhật vừa qua cho thấy họ không còn hứng thú với việc cứu trợ tài chính từ các chủ nợ châu Âu. Điều này có vẻ lạ lùng bởi vì rõ ràng là Hy Lạp đang cần tiền vào lúc này, thật sự rất nhiều tiền.

Nhưng sau 5 năm áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu khắc nghiệt, miễn cưỡng thực thi chỉ để đối lấy các gói cứu trợ từ chính phủ châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hầu hết người Hy Lạp đều thấy rõ là họ đã chịu đựng quá đủ rồi.

Hiện vẫn chưa rõ là những người ‘nói không’ này bỏ phiếu chống lại các điều khoản ngặt nghèo để gia hạn thêm gói cứu trợ - bao gồm việc cắt giảm sâu thêm trợ cấp và tăng thuế, hay là chống lại dự án đồng tiền chung (eurozone).

Nhưng, điều rõ ràng là chính phủ Hy Lạp đã khánh kiệt, ngân hàng đóng cửa và các biện pháp hạn chế dòng tiền chuyển ra nước ngoài đã được áp dụng. Nếu các ngân hàng Hy Lạp không sớm được tiếp tế vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, thì hệ thống tài chính của họ sẽ sụp đổ, kéo theo cả nền kinh tế vốn đã rất mong manh.

Một hệ quả như vậy buộc Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung và thậm chí ra khỏi cả Liên minh châu Âu.

Dưới đây là những thực tế và con số mà tờ Global Post thống kê, cho thấy mức độ trầm trọng của tình hình tại Hy Lạp lúc này.

1. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 49,7%

Gần nửa số thanh niên Hy Lạp không có việc làm. Con số chính xác là 49,7%. Như vậy, Hy Lạp chỉ nhỉnh hơn Tây Ban Nha một chút trong bảng xếp hạng những nơi tệ nhất để kiếm việc làm.

Tổng tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc là gần 26%, cao nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

2. Giới hạn rút tiền mặt từ cây ATM: 66$

Mỗi ngày, người dân Hy Lạp chỉ được rút tối đa là 66$ (khoảng 130 ngàn đồng) từ cây rút tiền tự động ATM.

Tiền để chi trả cho việc đi cấp cứu ở bệnh viện? Mua thực phẩm? Sửa xe? Với những người dân có thu nhập hạn hẹp thì họ chỉ có thể trông mong ở chỗ tiền cất ở đầu giường vẫn đủ trang trải cho các khoản trên.

{keywords} 

3. Thiếu thực phẩm

Ngay cả khi người Hy Lạp tích trữ đủ tiền mặt thì họ cũng chẳng còn gì để mua. Đất nước này đang cạn dần nguồn thực phẩm và thuốc men, vì việc kiểm soát đồng vốn đã buộc các nhà nhập khẩu ngừng chi trả cho các mặt hàng mua ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Tổng công ty dầu khí Hellenic cho biết họ vẫn còn đủ lượng nhiên liệu dự trữ cho vài tháng tới.

4. Dòng người tại máy rút tiền tự động ATM

Các điểm rút tiền tự động ATM trở thành điểm tụ họp mới cho rất nhiều người Hy Lạp. Họ xếp thành các hàng dài để rút được càng nhiều tiền càng tốt (nhưng thực tế số tiền này không nhiều) vì sợ rằng hệ thống tài chính quốc gia sẽ sớm sụp đổ, đi cùng với đó là các khoản tiết kiệm của họ.

5. Nền kinh tế lùi lại 25% trong vòng 6 năm qua

{keywords}

Nền kinh tế Hy Lạp thụt lùi 25% trong vòng 6 năm qua vì chính phủ thực thi các biện pháp thắt chặt chi tiêu nhằm cải tổ vấn đề tài chính của đất nước.

6. Khối nợ khổng lồ trên 330 tỉ USD

Chính phủ Hy Lạp nợ các chính phủ châu Âu số tiền khổng lồ: hơn 330 tỉ USD. Chủ nợ của Hy Lạp gồm có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các ngân hàng nước ngoài, và… bản danh sách còn rất, rất dài.

7. Hàng loạt khoản nợ phải trả, bao gồm 3,9 tỉ USD đáo hạn vào ngày 20/7

Hy Lạp sẽ phải trả nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu khoản 3,9 tỉ USD vào ngày 20/7 tới đây. Và vì Athens không có tiền, nên ECB sẽ khó có khả năng đòi được khoản nợ này.

Và nếu Hy Lạp lại vỡ nợ, thì ECB có khả năng sẽ cắt đứt nguồn tài chính của các ngân hàng Athens, đẩy hệ thống tài chính của đất nước này tới ‘Ngày Tận thế’.

Lê Thu