Thế giới đã từng đứng trước nguy cơ tận diệt trong suốt 13 ngày vào tháng Mười năm 1962 khi mà Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã vẽ nên một đường ranh giới tượng trưng tại Đại Tây Dương và cảnh báo một hậu quả thảm khốc xảy ra nếu như Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev dám bước qua đó.

Một loại tên lửa  của Liên Xô từng được triển khai ở Cuba năm 1962
Một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã bay trên bầu trời Cuba và chụp các bức hình trong đó có ghi lại các khu vực Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo có thể phóng đầu đạn hạt nhân vào thẳng Mỹ với khoảng cách lúc đó chỉ là 90 dặm mà Washington không hề được cảnh báo. Đó là khi Chiến tranh Lạnh bước vào đỉnh điểm, và rất nhiều người đã sợ rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt cả nhân loại.

Các tàu của Liên Xô chở các thiết bị hạt nhân thẳng hướng tới khu vực “cách ly” của Kennedy quanh Cuba, nhưng sau đó lại quay trở lại trước khi chạm vào đường ranh giới mà Kennedy đã vạch ra. “Chúng tôi đã mặt đối mặt và tôi nghĩ rằng đối phương đã lảng tránh” – Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Dean Rusk đã nói một câu rất hùng hồn và bất hủ. Câu nói này dần dà trở thành một sự đúc kết về cuộc khủng hoảng năm 1962.

Năm thập kỷ sau cuộc đối đầu hạt nhân kịch tính giữa Washington và Moscow, rất nhiều điều mọi người thường nghĩ về cuộc khủng hoảng tên lửa bấy lâu nay đã bị phơi bày, trong đó có cả niềm tin rằng chính sách bên miệng hố chiến tranh táo bạo của Kennedy khi đó đã ngự trị cuộc đấu.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm khủng hoảng hạt nhân Cuba, các nhà sử học mới tiết lộ rằng chính các thỏa hiệp ‘hậu trường’ đã tháo gỡ cuộc xung đột năm đó; và rằng cả Washington và Moscow đều giành phần thắng cho riêng mình và cuộc khủng hoảng đã kéo dài lâu hơn nhiều chứ không chỉ là 13 ngày.

Các tài liệu giải mật, các câu chuyện truyền miệng và những hồ sơ từ các nhà hoạch định chính sách liên quan tới cuộc đối đầu này đã tiết lộ những thông tin mới mà các học giả cho là sẽ cung cấp thêm các bài học cho các lãnh đạo đang bị lôi kéo vào các cuộc khủng hoảng hiện thời như tại Syria.

Một cuộc đối đầu khác có thể kể đến là tại Iran, các cường quốc phương Tây cáo buộc Tehran đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Trong một bài phát biểu gần đây tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã vẽ nên một lằn ranh màu đỏ trong một bức tranh minh họa cho quả bom hạt nhân của Iran với thông điệp: không thể chấp nhận việc Tehran có vũ khí hạt nhân.

“Lấy trường hợp của Iran, tôi gọi đó là một cuộc khủng hoảng tương tự như khủng hoảng tên lửa ở Cuba nhưng được quay chậm hơn” – nhận định của Graham Allison, tác giả cuốn sách về hoạch định chính sách của chính phủ có tên: “Cốt lõi của Quyết định: Giải thíc cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”.

“Quá trình tương tự cũng đang dần hiện ra trong quỹ đạo hiện nay mà không thể nào thay đổi được theo hướng đối đầu mà trong đó, Tổng thống Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa việc tấn công Iran để ngăn cản việc họ sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc ngầm chấp thuận việc này rồi sau đó phải đối mặt với một quốc gia có vũ khí hạt nhân” – ông Allison nói.

“Ý đồ của Kennedy có thể là: ‘Đừng để cho sự việc tiến triển thành đối đầu. Các nguy cơ từ một thảm họa là quá lớn”.

Dưới đây là những đúc kết từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã được xét lại:

Quan niệm: Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Mỹ đã thắng trong cuộc khủng hoảng

Thực tế: Các sử gia cho rằng giải pháp cho cuộc đối đầu thực sự là chiến thắng của hoạt động ngoại giao ‘cửa sau’.

Kennedy đã chịu sức ép từ các cộng sự khuyên ông rằng không cần nhượng bộ Moscow và thậm chí cân nhắc việc tấn công phủ đầu. Thay vào đó ông tiến hành ngoại giao hậu trường với Liên Xô, các quốc gia khác và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Chưởng lý Robert F. Kennedy đã gặp Đại sứ Liên Xô vào ngày 27/10 và chuyển một nhành ôliu từ tay người em trai của mình như sau: Washington có thể công khai khẳng định không xâm lược Cuba, và Khrushchev có thể rút tên lửa khỏi quốc đảo này. Cuộc thương thảo còn bao gồm việc Kennedy sẵn sàng rút tên lửa Jupiter khỏi các bệ phóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, được lắp đặt gần biên giới Liên Xô. Đây là một lời hứa bí mật mà chỉ có vài cố vấn thân tín của Tổng thống hay biết và chỉ đến giờ mới được tiết lộ.

Tuy nhiên, huyền thoại về chính sách bên miệng hố chiến tranh vẫn còn tồn tại khi mà năm 2002 Tổng thống George W. Bush đã trích dẫn lại nó, coi đó là một bài học lịch sử cho sự ngoan cường nhằm biện minh cho cuộc tấn công phủ đầu tại Iraq.

“Cốt truyện rất có thể là Kennedy đã giữ vững quan điểm cứng rắn, đương đầu với Khrushchev và mọi chuyện là vậy” – giả định của Allison, người từng làm cố vấn quốc phòng cấp cao trong một số chính quyền của phe Cộng hòa và Dân chủ, hiện giờ là giáo sư Đại học Harvard.

“Nếu như bạn đủ ‘rắn’ với đối phương, cuối cùng bạn sẽ thắng – đó chính là bài học trở thành một p hần của huyền thoại nổi tiếng” – Allison đúc kết từ ‘huyền thoại’ về thắng lợi của Mỹ trong cuộc khủng hoảng 1962, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị hành động thỏa hiệp trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Mỹ.

(Còn nữa)

  • Lê Thu (theo AP)

Bí mật bẽ bàng của Mỹ sau 5 thập kỷ chôn giấu
;Nửa thế kỷ trước, Chiến tranh Lạnh đã bị đẩy cao lên đến đỉnh điểm khi mà Mỹ bố trí hơn 100 tên lửa có đầu đạn hạt nhân trên khắp châu Âu với đích ngắm bắn là Moscow.
 
Bí mật bẽ bàng của Mỹ sau 5 thập kỷ chôn giấu (II)
;Nếu như tiết lộ vụ Mỹ thỏa hiệp rút tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ 'giải pháp cho cuộc khủng hoảng không cần thiết trông phải giống như một cuộc rút quân nhục nhã như vậy' đối với Liên Xô.