Fukuzawa Yukichi là một nhà tư tưởng, tư duy cấp tiến của Nhật Bản. Cuốn sách “Khuyến học” không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản.

“Khuyến học” là tập hợp 17 bài viết của Fukuzawa Yukichi đăng trên tạp chí từ năm 1872 đến 1876, nội dung rất rộng cả về chính trị, xã hội, quyền con người...

“Đây là cuốn sách mỏng nhưng có sức chấn động lớn. Năm 1880 - thời điểm cuốn sách “Khuyến học” của tác giả Fukuzawa Yukichi được xuất bản, cứ 160 người Nhật thì có 1 người đọc cuốn sách này. “Khuyến học” có sức hút đối với đa dạng độc giả, từ tầng lớp tinh hoa tới bình dân”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.

Sách Khuyến học.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 

 Phân tích sức hấp dẫn của “Khuyến học”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: Cuốn sách này được đánh giá là “sấm nổ giữa trời quang”, đóng góp rất nhiều cho quá trình phát triển, bảo vệ chủ quyền đất nước của Nhật Bản.

“Để bảo vệ độc lập quốc gia, không cách nào khác ngoài con đường tiến tới văn minh. Lý do duy nhất để người dân nước ta tiến tới văn minh là bảo vệ độc lập quốc gia” - đó là câu nói kinh điển của Fukuzawa.

Đặt “Khuyến học” trong bối cảnh 1872 – 1876, cuốn sách có tầm vóc vô cùng lớn khi cổ suy cho việc phá vỡ cấu trúc hệ chính trị - xã hội truyền thống của Nhật Bản, với quan điểm: “Trời không tạo ra người đứng trên người, cũng không tạo ra người đứng dưới người”, và “toàn bộ những ai học hành đỗ đạt, tham gia chính quyền Minh Trị, có đóng góp cho đất nước thì sẽ bước lên những tầng lớp cao hơn”.

Đặc biệt, tác giả của cuốn sách còn bàn về quyền công dân. Theo đó, người dân có quyền mưu sinh, dân chủ như ở quốc gia phương Tây. Và khi có quyền công dân, người dân Nhật Bản mới là quốc dân, còn trước đó chỉ là thần dân. Từ quốc dân mới có quốc gia. Ai cũng chăm lo cho vận mệnh quốc gia thì quốc gia mới vững mạnh.

Ngoài tư tưởng tiếp cận văn minh, cải cách đất nước, tác giả Fukuzawa Yukichi còn đề cao việc học. Ông nhiều lần nhắc lại quan điểm: Người không học sẽ không có trí thức, và kẻ không có tri thức thì sẽ là kẻ ngu đần.

Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh sự cần thiết của việc học tập, và việc đọc là cốt lõi của việc học. Bởi học tập sẽ nâng cao dân trí. Học tập quyết định sự thành công/thất bại hay hạnh phúc cá nhân. 

Chia sẻ quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhận định: “Đối với tôi, đây là cuốn sách nền tảng, hết sức quan trọng dành cho Nhật Bản nửa cuối thế kỷ 19, và có lẽ vẫn mang tính thời sự đối với Việt Nam hiện nay”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong “Khuyến học” không còn là điều mới mẻ, gây chấn động như đối với người dân Nhật Bản ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của Fukuzawa Yukichi vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hóa. 

Cuốn sách này cũng sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản từ thân phận nông nô trở thành "quốc dân" của một đất nước hiện đại và văn minh.

“Trên tay tôi đã có tổng cộng 4 tiêu bản của cuốn sách “Khuyến học” từng xuất bản ở Việt Nam cho đến nay. Với cá nhân tôi, việc mới đây Omega xuất bản bản dịch thứ hai liên quan tới cuốn “Khuyến học” là công việc hết sức dũng cảm. Bởi vì bản dịch đầu tiên của Nhã Nam xuất bản năm 2010 theo tôi là một bản dịch vô cùng hoàn hảo. Tuy nhiên, với bản dịch của Omega, tôi cũng thấy rất hoàn hảo, văn phong mượt mà. Nếu Omega có thêm tiêu bản nữa (bìa cứng hoặc bìa da), tôi sẽ tiếp tục mua”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Phạm Bình Minh, Lê Hồng Hạnh, Đỗ Ngân Phương