Trước đây, mỗi khi vào năm học mới, chị Hải Yến (Đống Đa, Hà Nội) lại tất bật đi tìm lớp học thêm cho con trai lớn. Hầu như sinh hoạt hằng ngày của con đều là học chính khóa, học thêm, không có thời gian để vận động, thể dục thể thao. Vì học nhiều, ít vận động nên cháu chậm chạp, thừa cân, thấp hơn các bạn. 

Khi có bé thứ 2, người mẹ này thay đổi hoàn toàn. Sau giờ học chính khóa trên lớp thay vì cho con học thêm, chị đăng ký câu lạc bộ bóng rổ, cầu lông, bơi để con tham gia tập luyện. Chị Yến cho biết con được vận động nên lúc nào cũng rắn rỏi, khỏe khoắn, ăn uống tốt hơn. 

Trong các hoạt động thi đấu thể thao ở trường, trẻ đều tích cực tham gia, từ đó khỏe cả về thể chất và tinh thần. Bé luôn thích thú mỗi lần đi học.

Chị Diệu Thùy (Văn Phú, Hà Đông) cho biết con gái chị béo phì luôn phải theo dõi tình trạng tiền dậy thì từ khi vào lớp 1. Để con không dậy thì sớm, ngay từ lớp 2, bà mẹ này đã thay đổi kế hoạch học tập. Trước kia, chị nghĩ cho con theo đuổi “trường chuyên, lớp chọn”. Tuy nhiên, cô giáo khuyến khích học sinh tích cực tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao ngoài giờ ở trường, chị cũng động viên con. Ban đầu, trẻ tự ti ngại tham gia nhưng sau 1 kỳ học, bé đã thay đổi. 

hoc duong.png
Học sinh tích cực tham gia thể dục, thể thao học đường.

Trẻ duy trì cân nặng ổn định, cơ thể bớt ì ạch hơn. Suốt giai đoạn lớp 4-5, con của chị Thùy chăm chỉ tham gia các câu lạc bộ trong trường nên giảm được hơn 10kg. Năm nay, trẻ vào lớp 6, bà mẹ này đã nhanh chóng đăng ký cho con tham gia 4 câu lạc bộ thể thao trường học. Trong khi các bạn của con đang mải mê đi đến các lớp học thêm, cô bé vẫn miệt mài bơi, chơi cầu lông.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), học sinh từ 5 đến 17 tuổi cần hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày trong cả tuần với cường độ từ trung bình đến cao, bao gồm các hoạt động như chạy nhảy, các môn thể thao, trò chơi, giáo dục thể chất. Hoạt động thể chất giúp trẻ không chỉ phát triển về thể chất mà còn tinh thần, giảm căng thẳng, áp lực trong suốt quá trình học tập. Đây cũng là biện pháp giảm tình trạng thừa cân béo phì, dậy thì sớm ở học sinh.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam (Tổng hội Y học) - cho rằng vận động là cách giảm áp lực, căng thẳng cho học sinh. Ông khuyến cáo nhà trường, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tăng cường vận động, mở rộng thêm nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao ngoài các tiết giáo dục thể chất chính khóa.

Ở lứa tuổi học đường, các bộ môn thể thao như bóng rổ, bơi lội, cầu lông, nhảy dây hoặc bóng đá là những hoạt động tốt cho quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt là việc tăng chiều cao. Trường học và gia đình cần quan tâm cân bằng giữa dinh dưỡng và vận động để học sinh phát triển thể lực.

Với xu hướng trẻ học nhiều, ít vận động hiện nay, bác sĩ Sơn khuyến cáo trẻ học nhưng không quên tập luyện, tránh xa tivi, thiết bị công nghệ sau buổi học, thay bằng vận động thể chất.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế công bố năm 2019, khoảng 46% học sinh trung học cơ sở và 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TPHCM không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, giúp bộ môn Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường được quan tâm toàn diện. Qua đó, nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh, thúc đẩy phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe trong và ngoài nhà trường, giúp học sinh tránh nguy cơ thừa cân béo phì, phát triển tầm vóc.