Bến lửa lòng do Vũ Trần và Trác Thúy Miêu đồng biên kịch, Vũ Trần đạo diễn và NSƯT Mỹ Uyên sản xuất. 

Tác phẩm xoay quanh cuộc sống ở vùng quê thanh bình của 3 người trẻ Dũng (Bảo Kun), Côi (Quách Ngọc Tuyên) và Bông (Gia Linh) bên người mẹ nửa điên nửa tỉnh - bà Bí (NSƯT Tú Sương).

Vì mưu sinh, họ làm việc tại một lò gạch của vợ chồng bà Vàng (Ngọc Duyên) và ông Tường (Hoàng Ngọc Sơn), không ngờ là điểm khởi đầu của chuỗi bi kịch chồng chất. 

W-20231005-211748-image-repair-1696706480840-1.jpg
Nghệ sĩ cải lương Tú Sương trở lại Sân khấu kịch 5B sau 'Tình lá diêu bông'.

Cảnh 'nóng', bạo lực và cưỡng bức

Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh ngọn lửa cháy bập bùng ngày đêm ở lò gạch và lửa lòng trong mỗi nhân vật. Trong đó, Dũng, ông Tường và bà Vàng lần lượt bị ngọn lửa của tham, sân, si thiêu rụi.

Dũng khao khát đổi đời, thay vì lao động, làm ăn chân chính lại chọn đi tắt nên bị đồng tiền che mắt, từ đó rơi vào bi kịch của lòng tham. 

Ông Tường bề ngoài là chủ lò gạch giỏi giang, giàu có, bên trong chất chứa ẩn ức dẫn đến cuộc sống đắm chìm trong nghiện ngập và tìm cách trút xả sân hận trong lòng lên người khác.

Bà Vàng sau nhiều năm sống với cuộc hôn nhân gối chăn lạnh lùng và ngọn lửa cuồng si luôn cháy âm ỉ bên trong, cuối cùng bị thiêu rụi bởi dục vọng và khao khát về tuổi xuân của chính mình.

Vở Bến lửa lòng khắc họa ngọn lửa của tam độc tham, sân, si bằng cảnh nóng, bạo lực và cưỡng bức. Cách thể hiện tế nhị, chừng mực nhưng đủ mãnh liệt để đẩy cảm xúc người xem.

W-20231005-214342-image-repair-1696582244620-1.jpg
Nhân vật Dũng và bà Vàng bị ngọn lửa của lòng tham và si nuốt chửng.

Giám đốc sản xuất Mỹ Uyên nói với phóng viên VietNamNet, kịch bản gốc không có những cảnh 'nặng đô' này. Chị bàn với 2 biên kịch thêm vào một số tình tiết để các nhân vật đi đến tận cùng bi kịch, từ đó bộc lộ rõ con người thật.

"Những cảnh 'nặng' này có vai trò, ý nghĩa rõ ràng khi đặt để hợp lý trong đường dây kịch bản thay vì tách riêng để bình luận. Lòng người nóng như lửa, nếu không biết điểm dừng sẽ bị thiêu rụi", nghệ sĩ cho hay.

Song cũng vì vậy, Bến lửa lòng mang màu sắc u ám, nặng nề, khác hẳn hầu hết vở kịch tâm lý - tình cảm lấy bối cảnh miền Tây ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B vốn chỉ khai thác câu chuyện gia đình, tình nghĩa vui tươi, nhẹ nhàng.

Sau trận hỏa hoạn luôn là đống tro tàn đổ nát, mỗi nhân vật trả những cái giá khác nhau. Có người kịp thoát thân, không để ngọn lửa của tam độc nuốt chửng song cũng có những sai lầm không thể cứu vãn.

Diễn xuất tỏa sáng

Bến lửa lòng là vở hiếm hoi nghệ sĩ Mỹ Uyên không tham gia diễn xuất, đổi lại sự xuất hiện thú vị của nghệ sĩ Tú Sương, Ngọc Duyên, diễn viên Quách Ngọc Tuyên và ca sĩ Bảo Kun. 

W-20231005-214846-image-repair-1696582811547-1.jpg
Nhân vật Côi, Bông chiếm tình cảm người xem.

Tú Sương từ cải lương sang kịch nói thể hiện ấn tượng vai người mẹ điên - bà Bí, cũng là bi kịch đầu tiên kéo theo chuỗi sau này. Gần cuối, chị có cảnh độc diễn gần 5 phút với lối diễn nhập tâm như 'lên đồng' lấy nước mắt khán giả.

Phần diễn cặp của Bảo Kun và Ngọc Duyên là điểm nhấn hấp dẫn. Vai Dũng nhiều đất diễn, thể hiện phong phú từ biểu cảm đến nội tâm, đi đến ranh giới cái ác rồi kịp quay đầu nên đòi hỏi yêu cầu cao về diễn xuất. 

Yếu tố hợp vai giúp Bảo Kun bù đắp thiếu khuyết về kỹ thuật và kinh nghiệm, nhờ vậy diễn bản năng, tự nhiên vẫn thú vị. 9X biến hóa tốt, từ dễ thương, hồn nhiên đến lưu manh, giảo hoạt. Dù vậy, anh thoại vấp váp nhiều, chưa làm trọn vẹn phân cảnh xúc động.

Trái ngược với Dũng, nhân vật bà Vàng tồn tại đồng thời 2 con người mạnh mẽ và yếu đuối. Vì hoàn cảnh gia đình, bà ép mình trưởng thành sớm, hành xử như đàn ông; để rồi vì chàng gia nhân kém tuổi trở nên đằm thắm và nữ tính, chưng diện lại như thời thanh xuân.

W-20231005-221047-image-repair-1696582945247-1.jpg
Nhân vật của Ngọc Duyên đặc sệt chất đàn bà kiểu Trác Thúy Miêu.

Vai bà Vàng không làm khó Ngọc Duyên. Dù vậy, đôi chỗ chị diễn còn cứng, nặng tính kịch và thiếu tự nhiên.

Cặp Côi - Bông do Quách Ngọc Tuyên và Gia Linh thể hiện chiếm tình cảm khán giả. Kiểu nhân vật chàng khờ thủy chung và cô gái si tình, cố chấp không mới hay thách thức nhưng ghi điểm bởi sự trau chuốt diễn xuất, cho thấy thái độ nghiêm túc và mức độ đầu tư của người thể hiện.

Phạm Hồng Nhung (31 tuổi, Hà Nội) cho hay: "Tôi chưa từng xem kịch Sài Gòn, trước nay hầu như chỉ xem phim chiếu rạp. Sau hôm công chiếu vở Bến lửa lòng, tôi cảm nhận rõ câu 'diễn bằng cả tính mạng'. Thực lực không chỉ có tài năng thiên bẩm mà còn là cách họ rút 'ruột gan' cho nhân vật, tác phẩm".

Sau Ái tình ngoài hôn nhân, vở Bến lửa lòng tiếp tục mang đến phong vị 'kịch 5B' thập niên 1990. Ngoài ra, tác phẩm lấy bối cảnh thập niên 1970 giúp Trác Thúy Miêu thể hiện sở trường ngôn từ, văn phong trong lời thoại. 

Tú Sương và Bảo Kun trong 'Bến lửa lòng'