Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B vừa công diễn vở mới Ái tình ngoài hôn nhân xoay quanh chuyện đời sống hôn nhân, ngoại tình. 

Một vở kịch 'nóng'

Ngọc (Mỹ Uyên) là người vợ, người mẹ truyền thống điển hình: chu toàn việc nhà, dành hết thời gian và tâm trí làm hậu phương cho gia đình.

Theo năm tháng, cô dần mờ nhạt trong mắt chồng - ông Hoàng (Trọng Hiếu) và con trai (Khánh Đăng), con gái (Phương Linh).

Nghe cô bạn thân Yến (Thu Hiền), Ngọc nổi loạn, tạo ra cuộc chơi tình ái cho riêng mình. Từ đó, cô rơi vào mối quan hệ bất chính với Phát (Quốc Thịnh) - chồng Sương (Hạnh Thúy), gây ra đổ vỡ khó hàn gắn cho cả hai gia đình. 

Không được đáp lại tương xứng, lâu ngày Ngọc 'tức nước vỡ bờ'. Cô phản ứng với chồng con, thực tế là chống lại ràng buộc, định kiến xã hội. Thay vì những giải pháp hợp tình hợp lý, Ngọc lại chọn ngoại tình - loại sai lầm khó cứu vãn, từ đó dẫn tới bi kịch. 

Mỹ Uyên mặc nhiều trang phục gợi cảm trong kịch mới.

Mô-típ kịch bản không mới nhưng thú vị. Nếu mô-típ thuần túy vợ trả thù chồng, tác phẩm có thể khiến người xem hả hê, thỏa mãn nhưng sẽ không khác gì các bộ phim Trung Quốc, Thái Lan rẻ tiền nhan nhản trên truyền hình. 

Giá trị của Ái tình ngoài hôn nhân ở việc Ngọc nổi loạn nhưng không hạnh phúc; Hoàng thoát khỏi người vợ nhàm chán, hay càm ràm nhưng không thấy tự do. Nổi loạn như Ngọc hay chịu đựng như Sương đều bất hạnh, ngay cả 'trường phái' quan hệ không ràng buộc kiểu Yến cũng rơi vào bế tắc.

Đã lâu, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B mới trở lại với dòng kịch thể nghiệm. Vở bi kịch tái hiện phong cách sân khấu ước lệ của thương hiệu 'kịch 5B' thập niên 1990.

Ái tình ngoài hôn nhân là một vở kịch nóng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chủ đề hôn nhân - ngoại tình, đàn ông - đàn bà luôn giàu sức hút trong bất cứ thời đại, bối cảnh xã hội nào.

Những người phụ nữ làm tác phẩm 'nóng' hơn bằng những câu thoại thẳng đuột về tình dục. Vở diễn còn có những cử chỉ gây xốn mắt của các nhân vật, cảnh 'giường chiếu' ước lệ của Ngọc và Phát.

Mỹ Uyên thể hiện sâu sắc vai khó.

Kịch bản được xây dựng khá tốt. Tác giả Lê Thu Hạnh khai thác bản chất, mong muốn đối lập giữa đàn ông và đàn bà đặt trong bối cảnh xã hội đầy rẫy định kiến, từ đó đẩy bi kịch lên cao trào. 

Dàn diễn viên làm nên linh hồn của tác phẩm. Ngoài diễn xuất bảo chứng của Mỹ Uyên và Hạnh Thúy, Trọng Hiếu, Quốc Thịnh hay những người trẻ đều đáp ứng yêu cầu cao để lột tả tầng lớp tâm lý nhân vật. 

Đạo cụ, cảnh trí được khai thác tốt. Sợi chỉ xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh đồng hồ, bánh răng biểu thị thời gian và ý niệm về nó. Cụ thể, thời gian gắn liền với trách nhiệm của con người.

Kịch mở đầu bằng tiếng kim đồng hồ tích tắc khi Ngọc ngồi chờ chồng và 2 con về nhà ăn cơm. Cô thuộc làu các mốc thời gian trong ngày để giặt đồ, phơi đồ, nấu cơm, rửa chén...

Ngược lại, chồng con Ngọc hành xử không màng giờ giấc, luôn quên thời gian trôi. Thậm chí Yến - bạn thân cô cất hết đồng hồ trong nhà.

Chiếc đồng hồ trong Ái tình ngoài hôn nhân luôn xuất hiện và thay đổi theo diễn biến tâm lý con người. Mỗi lần các nhân vật xung đột, mâu thuẫn nó lại khuyết một mảnh, cuối cùng vỡ tan.

Hạnh Thúy và Quốc Thịnh.

Vật dụng trong nhà Ngọc biểu hiện cho thói gia trưởng của ông Hoàng, lớn hơn là chuẩn mực xã hội áp đặt lên quan hệ vợ chồng, đàn ông - đàn bà. Chúng vốn không được phép xê dịch trong nhiều năm, chỉ bị xô đổ và thay đổi vị trí vĩnh viễn sau cuộc nổi loạn của Ngọc.

Thông điệp đã hợp tình, hợp lý?

Vở kịch kết mở bằng việc những thành viên trong gia đình Ngọc tỉnh ngộ ngay cả khi mọi thứ có thể quá muộn để cứu vãn.

Chọn đề tài nóng, tác giả Lê Thu Hạnh khó tránh những tranh cãi trái chiều liên quan tư tưởng, thông điệp tác phẩm. Biên kịch chỉ ra cái sai của đàn ông nhưng bỏ qua hoặc xuê xoa các vấn đề ở phụ nữ.

Ngọc suy nghĩ đơn thuần rằng chu toàn việc nhà là yêu chồng thương con, quên vun đắp giá trị của bản thân, vô hình trung khiến cuộc sống gia đình ngột ngạt. Cô nằng nặc yêu cầu Hoàng ăn cơm với mình bất kể khi nào hay người chồng trong tình trạng gì.

Đề cao ý nghĩa, giá trị của bữa cơm gia đình không đồng nghĩa biến nó thành những vòng lặp bất biến, gây khó chịu.

Cuối tác phẩm, biên kịch đã diễn giải vấn đề của Ngọc, nhất là hành vi ngoại tình, theo hướng lỡ lầm. Nói cách khác, người đàn ông sai cả hệ thống tư tưởng còn người phụ nữ chỉ là 'phút nông nổi gây hậu quả nghiêm trọng'. 

Diễn biến tâm lý nhân vật Hoàng (Trọng Hiếu) quá vội vã.

Một số chi tiết trong tác phẩm phản ánh tư tưởng của biên kịch. Sương - vợ Phát, khảng khái nói với người thứ 3: "Đàn ông có ngoại tình 100 lần vẫn sẽ quay về với gia đình", "Chồng tôi tìm đến chỉ để tụt quần chị xuống. Và khi anh ta kéo khoá quần lên sẽ quên hết những gì đã có với chị"... vẫn hành động hướng về sự tha thứ.

Thấy Sương che chắn cho Phát, ông Hoàng thốt lên cảm thán. Biên kịch mâu thuẫn khi lên án lề thói xã hội trói buộc phụ nữ lại thông qua câu nói của Hoàng đề cao đức hy sinh, vị tha của họ.

Cú 'quay xe' của Hoàng cuối vở vội vã, như biến thành người khác dẫn đến có phần khiên cưỡng. Diễn biến có thể hiểu là trường hợp ít xảy ra hoặc ước mơ của chính tác giả về viễn cảnh này ngoài đời thực. 

Ngoài ra, một số lời thoại cần tự nhiên hơn, tránh nặng đạo lý, giáo điều nhằm tăng hiệu quả đẩy cảm xúc người xem.

Bỏ qua vài hạt sạn nhỏ, tựu trung Ái tình ngoài hôn nhân là vở bi kịch tốt, có tính nghệ thuật, một món ăn tinh thần lạ miệng trong thị trường kịch nói TP.HCM.

Lê Thị Mỹ Niệm