- Sáng 16/3, Hội thảo về đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến đã được Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức.

{keywords}
Tiến sĩ Karen Treloar - giám đốc Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng đại học Australia (TEQSA) - giới thiệu về bộ công cụ đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến

Hội thảo nhằm mục đích lấy ý kiến về bộ công cụ được xây dựng để hỗ trợ các nước thành viên APEC trong đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến. Bộ công cụ lần đầu tiên được xem xét bởi 13 nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam, vào tháng 10/2016 và hiện nay đang được thử nghiệm trước khi hướng đến sự thông qua tại APEC vào cuối năm nay. Việt Nam là một trong ba quốc gia nhận được sự hỗ trợ tại chỗ trong dự án này.

Bộ công cụ được xây dựng với mục đích mang lại hiểu biết chung về những điển hình tốt và một số công cụ thực tiễn để đánh giá các khía cạnh của học tập trực tuyến, ví dụ như kỹ năng của giảng viên hay sự trung thực của quá trình đánh giá.

Báo cáo về xu hướng và những thách thức để đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học ở Việt Nam, ông Phan Thế Hùng – cán bộ Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT – cho biết, hiện Việt Nam có 2 trường đại học mở được thành lập từ năm 1993 và 19 trường đại học cung cấp các chương trình đào tạo từ xa. Các cơ sở giáo dục này cung cấp gần 100 chuyên ngành với 87.294 sinh viên theo học – số liệu của năm học 2015-2016.

Một số mục tiêu mà Bộ đặt ra đến năm 2020: 100% chương trình đào tạo từ xa được kiểm định; tất cả học liệu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; giảng viên, cán bộ quản lý hỗ trợ sinh viên được tập huấn kỹ năng và kiến thức về đào tạo trực tuyến, xây dựng một số trường đại học mạnh về cung cấp đào tạo từ xa.

Ông Phan Thế Hùng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng, rà soát quy chế đào tạo từ xa, trong đó đưa ra các tiêu chí đảm bảo chất lượng, cụ thể là đưa ra yêu cầu tối thiểu của một chương trình đào tạo từ xa. Trong đó Bộ cũng đã tham khảo mô hình của Thái Lan, Hàn Quốc, Úc. Dự thảo quy chế về kiểm định chất lượng đào tạo từ xa đã hoàn thành và gửi xin ý kiến các đơn vị đào tạo từ xa. Ngoài ra, Bộ cũng giao Cục Khảo thí xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá các chương trình đào tạo từ xa.

Chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo trực tuyến của Viện ĐH Mở Hà Nội, bà Trần Thị Lan Thu – giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến cho biết, Viện này chú trọng đến 4 yếu tố chính trong đào tạo trực tuyến, đó là: hệ thống công nghệ, nội dung (học liệu điện tử), đội ngũ giảng dạy và công tác hỗ trợ người học.

Hiện tại, Viện ĐH Mở Hà Nội đang đào tạo trực tuyến 6 ngành bậc đại học: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Luật và Ngôn ngữ Anh. Trong đó, bộ học liệu điện tử có vai trò cốt lõi, là trọng tâm của đào tạo trực tuyến.

Ngoài các lớp học ảo, với các học viên chưa trang bị đủ các thiết bị để tiếp cận hệ thống, trường cũng có 80 điểm đầu cầu để những học viên này có thể tham gia lớp học theo lịch học mà trường đã ban hành.

Giải đáp những băn khoăn của đại biểu về chất lượng đầu ra của sinh viên đào tạo trực tuyến, bà Thu khẳng định, hiện Viện sử dụng cùng một chương trình học tập với tất cả các hệ chính quy, tại chức, trực tuyến. Đào tạo trực tuyển chỉ khác biệt về phương thức học tập. Chuẩn đầu ra của sinh viên trực tuyến cũng giống như hệ chính quy và các hệ khác. Các giảng viên của hình thức đào tạo này cũng là những giảng viên cơ hữu, đã làm việc lâu năm ở trường. Nếu như sinh viên chính quy không phải thi tốt nghiệp thì sinh viên đào tạo trực tuyến vẫn tiến hành thi tốt nghiệp.

“Tuy nhiên, hệ đào tạo trực tuyến có tỷ lệ bỏ học khá cao – lên tới 39%. Số còn lại chỉ có chưa đến 70% tốt nghiệp trong lần đầu. Con số này đã tăng lên 78% trong những năm gần đây” – bà Thu cho biết.

{keywords}
Đại diện Bộ GD-ĐT và TEQSA trao đổi văn kiện ký kết Bản ghi nhớ 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho rằng công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam mới được chú trọng hơn 10 năm trở lại đây và đang có nhiều biến chuyển tích cực. Tính đến nay, hơn 90% các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 32 cơ sở đã được đánh giá ngoài và 16 cơ sở đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Ngoài ra có 84 chương trình đào tạo đã được đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế.

“Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 4.0, giáo dục đại học Việt Nam và thế giới đang đứng trước thách thức phải đổi mới mô hình, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh. Theo đó, người học sẽ được chủ động lựa chọn chương trình học phù hợp nhất với mình. Và như vậy, giáo dục trực tuyến đang và sẽ là một xu thế tất yếu mà người học lựa chọn” – Thứ trưởng khẳng định.

Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương sử dụng các quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới, trước mắt là các tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN, tham khảo và học tập các mô hình đảm bảo và kiểm định chất lượng của các nước tiên tiến trên thế giới mà một trong những lựa chọn hàng đầu là Australia.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng chứng kiến lễ kí kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Australia (TEQSA) và Bộ GD-ĐT Việt Nam. Giám đốc điều hành TEQSA – ông Anthony McClaran cho rằng việc ký kết thể hiện những cam kết của hai cơ quan về giáo dục chất lượng.

  • Nguyễn Thảo