Vào mỗi buổi chiều bên cạnh vườn hoa Hà Đông (Hà Nội), người ta thấy một người đàn ông đang tỉ mẩn tỉa tót từng chiếc lá dừa thành hình dáng chú chuồn chuồn, cánh bướm hay chú cào cào. |
Anh là Nguyễn Mạnh Thắng (40 tuổi, quê Nam Định), đã gắn bó với nghề đan lá dừa được 13 năm nay. Nhiều người gọi vui là nghề "xỏ lá". Năm 2006 lúc mới vào nghề anh bán ở dọc đường Thanh Niên và quanh các phố gần hồ Gươm.Anh Thắng chia sẻ trung bình mỗi ngày anh bán được 60-100 con vật với hình thù khác nhau, ngày lễ tết thì bán được nhiều hơn nhờ các cửa hàng đặt nhiều. Giá bán chuồn chuồn, cào cào, chim, cá… làm từ lá dừa 15.000 đồng/con, hoa hồng 20.000 đồng/bông. Tính ra, anh thu về hơn 1 triệu đồng mỗi ngày. |
Những chiếc lá dừa tươi qua đôi bàn tay khéo léo của anh Thắng đã thành những tác phẩm đặc sắc. "Ngày trước mới vào nghề làm lâu lắm mới ra một sản phẩm, giờ đây để hoàn thành một con vật tôi chỉ mất khoảng 3-4 phút", anh nói. |
Suốt 13 năm làm nghề "xỏ lá", mỗi ngày anh đều mày mò sáng tạo, học thêm để làm những sản phẩm bắt mắt khác nhau đáp ứng thị hiếu khách hàng. |
Nhiều sản phẩm mới đầy tính sáng tạo của người đàn ông ở tuổi tứ tuần, như giỏ để cắm hoa, hay những bó hoa hồng phù hợp cho các bạn trẻ, mũ, đèn lồng... tất cả đều làm từ nguyên liệu lá dừa. |
Theo anh Thắng, để làm ra những sản phẩm hoàn hảo, việc tuyển chọn nguyên liệu lá dừa nước rất quan trọng. Lá dừa được đặt từ miền Nam để lấy đúng chủng loại lá dừa nước. Công đoạn chọn lá cũng quan trọng không kém, lá phải vừa tới tầm bị sâu, đủ to để cho ra sản phẩm đẹp nhất. |
"Để làm được những con vật ngộ nghĩnh, thì phải chọn lá dừa đảm bảo được độ mềm, dẻo. Nếu chọn lá quá non sẽ rất khó tạo hình, còn lá quá già rất dễ gãy", anh Thắng tiết lộ. |
Nhiều sản phẩm để hoàn thành được cũng rất công phu. Để sáng tạo cánh bướm có hai lớp trên dưới và có thêm hoa văn là bao lần thử nghiệm của người đàn ông tuổi trung niên. Anh tâm sự những ngày lễ các cửa hàng hoa đặt làm riêng các con bướm để cài vào lẵng hoa rất nhiều. Làm bướm phải gấp đôi lá dừa vào cho đối xứng, kỹ thuật quan trọng nhất nằm ở đường cắt. |
Bạn Hương Liên (23 tuổi, Hà Đông) xin anh hướng dẫn cho cách làm con cào cào bởi đây là sản phẩm từ thiên nhiên, không độc hại, thiết thực trong việc bảo vệ môi trường. "Em cố gắng học để làm được một sản phẩm dành tặng bạn em", Liên nói. |
Một bó hồng đặc biệt được kết từ 7 đóa hồng nhỏ, được bán giá 150.000 đồng. Anh cho biết hoàn toàn không ngâm, tẩm nguyên liệu vào hóa chất. Mỗi sản phẩm có thể để trang trí trong vòng 4-5 ngày nếu chăm sóc tưới nước đúng cách. Sau đó chúng sẽ phai màu dần, ngả về màu trắng như nón lá. |
Bạn Thu Huyền (Ba vì, Hà Nội) chia sẻ: "Ngày nhỏ ở quê mình cũng được ông đan cho những con cào cào, châu chấu nhưng khi đó làm bằng lá dứa dại, hoặc cỏ. Hôm nay bắt gặp những sản phẩm của tuổi thơ ở đây, giúp gợi rất nhiều kỷ niệm. Thật may mắn vẫn còn có người làm ra những sản phẩm độc đáo và thân thiện với môi trường". |
Anh Thắng bộc bạch: "Tôi đang bắt đầu thử nghiệm làm thêm sản phẩm bằng lá cọ, mo cau, những nguyên liệu có sẵn ở miền Bắc, để khỏi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu lá dừa nước ở nơi xa. Mo cau vua có thể cắt thành dép hay túi thay cho túi nylon. Hy vọng sẽ làm ra những sản phẩm thiết thực từ nguyên liệu tự nhiên để bảo vệ môi trường mà giá thành siêu rẻ". |
"Lá dừa nước thân thiện với môi trường, không độc hại. Tôi rất ủng hộ thứ đồ chơi truyền thống này và nghệ thuật này", bà Chu Thị Tứ (62 tuổi, Hà Đông) vừa mua cho các cháu nội của mình nói. |
(Theo Zing)