Theo các luật sư, việc doanh nghiệp đòi nợ công ty chồng ca sĩ Thu Minh chỉ là tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. DN có thể khởi kiện đòi tiền nhưng đó là hành trình đầy gian nan, rất có thể "được vạ má đã sưng".

Chỉ là quan hệ dân sự

Trong ngày 21/12, hàng chục người được cho là đại diện 200 công nhân của công ty gỗ Gia Hân (trụ sở tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) kéo đến trước tòa nhà ở đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, (TP.HCM) - nơi công ty Global Home S.R.O đặt văn phòng - để đòi nợ. Công ty này có giai đoạn dài do ông Otto De Jager (chồng của ca sĩ Thu Minh) làm giám đốc điều hành, đại diện tại Việt Nam.

Nhóm người đã giăng băng rôn có nội dung yêu cầu ông Otto trả tiền, hàng cho công ty để công ty trả tiền lương cho người lao động.

“Tất cả tiền hàng chưa thanh toán cho công ty chúng tôi là mồ hôi, nước mắt,... yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp để lấy lại sự công bằng” - thông tin trên băng rôn đòi nợ nêu rõ. 

{keywords}
Nhóm người được cho là công nhân công ty Gia Hân mang băng rôn tới tòa nhà công ty Global Home S.R.O đặt văn phòng để đòi nợ.

Vụ việc diễn ra khoảng hơn 1 một tiếng, sau đó nhóm người cho là đại diện công nhân công ty Gia Hân đã lặng lẽ rời tòa nhà nói trên.

Đây không phải là lần đầu tiên công ty Global Home S.R.O - do ông Otto từng làm giám đốc điều hành - bị phía đối tác Việt Nam truy đòi nợ nần. Sau thời gian im ắng, sáng 21/12, sự việc lại bùng lên khi một nhóm người được cho là đại diện công ty Gia Hân, tiếp tục căng băng rôn đòi nợ.

Đại diện công ty Gia Hân cho hay: “Phía công ty chúng tôi và phía Global Home S.R.O từng ngồi lại thương lượng, giải quyết nợ nần nhưng chưa thành. Tuy nhiên, vài tháng nay, chúng tôi có liên hệ với đại diện Global Home S.R.O nhưng không gặp được, không có cách nào để giải quyết”.

Trước đó theo hợp đồng, công ty Gia Hân (trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7/2015) đã cung ứng cho Global Home S.R.O đơn hàng 493 ngàn USD, tương đương hơn 11 tỷ đồng nhưng chưa được thanh toán. Ngoài ra, Global Home S.R.O còn đặt lô hàng trị giá 281 ngàn USD, tương đương 6,3 tỷ đồng vẫn đang ở kho của công ty Gia Hân nhưng chưa lấy.

{keywords}
Vụ việc từng bị tố cáo đến cơ quan Công an nhưng được xác định là tranh chấp dân sự về hợp đồng kinh tế

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của Global Home S.R.O chỉ thông tin ngắn gọn “hiện phía công ty chưa có thông báo chính thức nào mới về chuyện nợ nần của Global Home S.R.O và các đối tác tại Việt Nam”.

Trong khi, từ tháng 3/2016, phía Global Home S.R.O cho hay ông Otto không còn là giám đốc điều hành của công ty tại Việt Nam nữa.

Trong tiến trình đòi nợ, công ty Gia Hân từng có đơn tố cáo ông Otto gửi đến phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai. Nhưng vụ việc được xác định là giao dịch dân sự, có ký kết hợp đồng giữa 2 bên nên sau quá trình xác minh, công an không tiếp nhận để thụ lý điều tra. Từ đó đến nay công ty Gia Hân vẫn kiên trì đòi nợ,...

Ngoài Gia Hân, hàng loạt DN khác cũng có tranh chấp hợp đồng kinh tế với Global Home S.R.O. Lúc đó, đại diện cho Global Home S.R.O vẫn là ông Otto.

“Được vạ má đã sưng”

Theo tìm hiểu, khi ký kết hợp đồng kinh tế với công ty Gia Hân, ông Otto là đại diện cho công ty Global Home S.R.O. Vì vậy xảy ra tranh chấp, theo quy định pháp luật, công ty Global Home S.R.O có trách nhiệm giải quyết tranh chấp này, khó có thể ràng buộc trách nhiệm cá nhân ông Otto dù ông giữ chức vụ hay không còn giữ vị trí tại công ty Global Home S.R.O.

{keywords}
Ông Otto - chồng ca sĩ Thu Minh, từng đại diện Global Home S.R.O ký kết các hợp đồng kinh tế, đến nay phát sinh tranh chấp với các DN Việt Nam

Cách đây không lâu, luật sư Nguyễn Thế Truyền, bảo vệ quyền lợi cho công ty Gia Hân, có hé lộ, hợp đồng 2 bên ký kết có đề cập rõ, cơ quan tài phán nếu có tranh chấp xảy ra là trọng tài ở Hồng Kông, và xử theo luật của Anh Quốc.

Như vậy, việc công ty Gia Hân và các doanh nghiệp bị Global Home S.R.O nợ tiền có thể khởi kiện nhưng quá trình này được cho là khó khăn, mất thời gian và khó giải quyết dứt điểm.

Luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền (đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, “nếu trong hợp đồng các bên lựa chọn cơ quan tài phán nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam thì nguyên đơn muốn bảo vệ quyền lợi cho mình khi xảy ra tranh chấp buộc phải thực hiện các bước tố tụng tại nước đó. Trường hợp tranh chấp giữa Gia Hân và Global Home S.R.O. thì trong hợp đồng có nói rõ là các bên lựa chọn cơ quan tài phán là Trọng tài tại Hồng Kông”.

Được biết, chi phí tố tụng và các khoản chi phí khác để doanh nghiệp Việt Nam sang tận Hồng Kông khởi kiện Global Home S.R.O là khá cao. Chưa kể nhiều phát sinh khó khăn khác, do đó các doanh nghiệp, cụ thể là công ty Gia Hân muốn đòi khoản nợ từ Global Home S.R.O thì cũng cực kỳ gian nan, rất có thể “được vạ má đã sưng”.

Linh An