Kiên Giang đẩy mạnh diện tích nuôi biển xa bờ
10 tháng đầu năm 2023, ngư dân các khu vực ven biển, ven đảo của tỉnh Kiên Giang đã thả nuôi mới được gần 4.000 lồng nuôi biển các loại (đạt 90% kế hoạch năm 2023); với sản lượng thu hoạch bước đầu gần 3.000 tấn, còn lại 60% là các lồng bè sắp thu hoạch các tháng cuối năm.
Còn nếu tính tổng diện tích nuôi biển của tỉnh Kiên Giang tính đến tháng 11/2023 là khoảng 23.400 ha, sản lượng thu hoạch hơn 83.530 tấn. Trong đó, cá biển 3.762 lồng, sản lượng trên 2.920 tấn và nhuyễn thể hơn 80.610 tấn (ngao, sò, hàu, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, trai ngọc, điệp quạt, ốc nhảy...)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, phạm vi nuôi biển của Kiên Giang được phân chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng hải đảo, gồm huyện đảo Kiên Hải; thành phố Phú Quốc; xã đảo Tiên Hải (thành phố Hà Tiên) và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), bố trí nuôi cá biển chủ yếu theo hình thức lồng bè, với các đối tượng cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng…
Trong khi nuôi biển ven bờ có các xã, phường ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương. Khu vực ven bờ được bố trí nuôi chủ yếu là nhuyễn thể, thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, dưới tán rừng phòng hộ, với các đối tượng sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, nghêu…
Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển được 7.500 lồng nuôi biển (trong đó 1.900 lồng công nghệ cao nuôi các loài cá có giá trị và nuôi nhuyễn thể 24.000 ha); sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn (trong đó cá nuôi lồng bè 29.870 tấn, nhuyễn thể 83.660 tấn). Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phát triển lên 14.000 lồng nuôi biển (trong đó, 6.600 lồng công nghệ cao và nuôi nhuyễn thể 25.000 ha); sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn (trong đó cá nuôi lồng bè 105.720 tấn, nhuyễn thể 101.470 tấn).
Để đạt được tham vọng này, Kiên Giang đang đẩy mạnh nuôi biển theo hướng công nghiệp (nuôi xa bờ và chuyển đổi lồng nuôi từ các vật liệu truyền thống sang vật liệu HDPE kết hợp sử dụng thức ăn viên công nghiệp).
Phát triển nuôi biển xa bờ theo hướng bền vững
Chia sẻ về định hướng nuôi biển của địa phương, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có lợi thế diện tích ngư trường rộng lớn, nhiều thủy sản có giá trị kinh tế cao cao. Đặc biệt, vùng biển Kiên Giang án ngữ khu vực tiền tiêu phên dậu phía Tây Nam của đất nước nên hoạt động nuôi biển được tỉnh định hướng phát triển theo hướng công nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Chính vì vậy, để nuôi biển theo hướng công nghiệp thì phải dời được các lồng nuôi ra xa bờ và áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Do đó, từ những năm 2020 tỉnh Kiên Giang đã liên tục tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về quy trình kỹ thuật nuôi mới với công nghệ hiện đại (áp dụng mô hình nuôi xa bờ của Na Uy); thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao và nuôi với quy mô lớn. Do đó, mô hình nuôi cá lồng bè trên biển sử dụng lồng nuôi vật liệu HDPE kết hợp sử dụng thức ăn viên công nghiệp đang được mở rộng diện tích.
Bên cạnh đó, để tránh bị áp thẻ vàng khi xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao như: EU, Mỹ hay Nhật Bản, các Sở ngành liên quan tại Kiên Giang đã phân khu cấp phép nuôi biển, cấp mã số cơ sở nuôi cho từng tổ chức, cá nhân theo quy định; định vị lồng nuôi, gắn thẻ cho từng mẻ nuôi để xác định nguồn gốc hải sản nuôi trồng; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh vùng nuôi biển, tăng cường năng lực chuyên môn cho công tác giám sát chất lượng môi trường nước. Theo đó, nói đến các sản phẩm nuôi biển của Kiên Giang là nói tới uy tín và chất lượng; phát triển theo hướng bền vững.
Được biết, trong lộ trình phát triển nghề nuôi biển của địa phương, tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương hoàn thiện chính sách và triển khai kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Kiên Giang ưu tiên bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển theo hướng tập trung, xa bờ để đưa ngành nuôi biển của địa phương luôn nằm trong top 3 nuôi biển của cả nước.