Viện Toán học vừa có văn bản dài 9 trang góp ý Dự thảo "Quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư".

Trong văn bản được gửi tới Ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Viện Toán khẳng định việc ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiễm chức danh giáo sư, phó giáo sư và được sửa đổi, bổ sung theo từng giai đoạn là việc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên và các nhà khoa học.

Viện Toán cho rằng điểm mới nhất trong Dự thảo Quyết định lần này là việc phân chia nhóm ngành khoa học. Trên cơ sở đó mới có điều kiện đưa vào yêu cầu mới về nâng cao chất lượng là các bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, mà đặc biệt là các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus. 

{keywords}

Chỉ chưa tới 40% số GS, PGS năm 2016 có công bố khoa học quốc tế. 

(Ảnh: Lê Văn)

Tuy nhiên, theo Viện Toán, vẫn còn những điểm khác thường so với thông lệ quốc tế, đã được ban hành trong các bản quyết định từ trước tới nay, chưa được sửa đổi. Viện đã đề xuất một số giải pháp để cải tổ những bất cập này.

Theo văn bản góp ý của Viện Toán, cần tách nhóm ngành Khoa học tự nhiên, vì nhóm ngành này của Việt Nam đã tiếp cận được khá gần với trình độ quốc tế, trong đó có một số ngành đã đạt trình độ quốc tế.

Bỏ yêu cầu viết sách

Viện Toán cho rằng sẽ là đúng đắn nếu xem sách tốt cũng chỉ là một công trình khoa học, chứ không nên phân biệt sách hay bài báo. 

Nếu vẫn giữ yêu cầu về việc có đầu sách, theo Viện “Tại sao không yêu cầu sách đó phải được NXB quốc tế có uy tín xuất bản? Nếu không yêu cầu như vậy, thì đưa tiêu chuẩn viết sách là bắt buộc còn là sự bất công: để có điểm qua việc viết một bài báo khoa học ISI rất vất vả, trong khi bằng các sách kém chất lượng thì quá dễ dàng". 

“Chúng ta không phủ nhận công sức và đóng góp của các quyển sách tốt. Điều đó được thể hiện ở việc qui định số điểm cho các đầu sách, và khi sách có nội dung tốt thì các hội đồng dù có khó tính đến đâu vẫn tính điểm tối đa cho quyển sách đó. Thậm chí, nếu sách được xuất bản tại các NXB quốc tế có uy tín, có thể tăng số điểm lên bằng 3-4 bài báo quốc tế cũng không có gì là quá bất hợp lí. 

Vấn đề chính chỉ là nên cương quyết loại bỏ tiêu chuẩn bắt buộc về viết sách” – văn bản nhấn mạnh.

Hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ chỉ nên quy ra điểm

Theo Viện Toán, đại đa số các trường trên các nước khoa học tiên tiến, không bao giờ đưa đòi hỏi đã hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh làm tiêu chuẩn.

“Đưa tiêu chí sách thành bắt buộc đối với các nhà khoa học thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên vô hình trung cổ vũ cho việc viết sách kém chất lượng, cổ vũ cho việc gian dối, gây cản trở cho những nhà khoa học chân chính (rất giỏi, nhưng kiên quyết không viết sách chỉ vì mục đích phong học hàm)”.

Không ai đánh giá trình độ khoa học của một nhà khoa học thông qua số lượng nghiên cứu sinh đào tạo được. 

Công lao đào tạo có thể xem là phần thưởng, được qui ra điểm, nhưng không nên xem là bắt buộc.

Trong văn bản góp ý, Viện Toán nhận định đưa yêu cầu hướng dẫn nghiên cứu sinh thành tiêu chuẩn bắt buộc không chỉ trái thông lệ quốc tế, mà còn có thể dẫn đến tình trạng đào tạo non, chẳng hạn cho trò đứng tên cùng cho nhanh được bảo vệ, hoặc cho trò bảo vệ khi nội dung luận án chưa thật tốt…

Tương tự, yêu cầu hướng dẫn thạc sĩ đối với ứng viên phó giáo sư là không phù hợp.  

Trên thực tế xét phong học hàm ở Hội đồng cơ sở Viện Toán và ngành Toán “đã thấy hiện tượng đào tạo non và đào tạo tràn lan. Chắc chắn điều đó có ở nhiều hội đồng khác”.

Yêu cầu chủ trì nhiệm vụ khoa học là rào cản với người trẻ

Viện Toán đề nghị bỏ yêu cầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo.

Bởi vì, “Xét về mặt mong muốn: nhà khoa học nào chẳng muốn được làm việc này. Ít nhất là được cải thiện về mặt tài chính. 

Một số guyên nhân của việc chưa là chủ trì nhiệm vụ khoa học/ tham gia xây dựng chương trình đào tạo, có thể là: chưa có thời gian thích hợp, còn quá trẻ, chưa kịp đăng kí đề tài; hoặc cũng có thể trong cơ quan nhiều người là bậc thầy cùng chuyên ngành, nên tham gia đề tài với tư cách là thành viên mới thực sự đảm bảo chất lượng khoa học cao của đề tài, thúc đẩy sự cộng tác trong khoa học… 

Và như vậy, không đáp ứng tiêu chuẩn này chỉ vì nguyên nhân vừa nêu thì ứng viên thiệt đơn (về tài chính), lại thiệt kép (không được phong GS, PGS)”. 

Theo Viện Toán, suy nghĩ cho rằng “để được chủ trì/ tham gia nhiệm vụ khoa học, chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, phải có trình độ khoa học cao minh chứng bởi sự chấp thuận của các hội đồng tương ứng”, nghe có vẻ hợp lí. Nhưng suy nghĩ kĩ sẽ thấy đây là một làm rào cản đối với các nhà khoa học trẻ.  

{keywords}

GS Trần Văn Nhung cho rằng, chất lượng của các tạp chí khoa học trong nước còn thấp (Ảnh: Lê Văn)

“Vì vậy, cũng như các tiêu chuẩn trên, có thể tính điểm công trình để ghi nhận  công lao tổ chức thực hiện các đề tài, nhưng không nên đưa vào tiêu chuẩn bắt buộc đối với nhóm ngành Khoa học Tự nhiên” – Viện Toán đề nghị. 

Yêu cầu quá trình đào tạo liên tục là không cần thiết

“Việc qui định thâm niên đào tạo có thể là hợp lí, nhưng yêu cầu tính liên tục ba năm cuối là một rào cản không cần thiết và vô lí. Việc làm này gây khó khăn cho những người đang ở nước ngoài, hay có thời gian công tác dài ở nước ngoài trở về” - Văn bản của Viện Toán nêu rõ. 

“Đưa ra rào cản kĩ thuật này làm cho khá nhiều người trẻ, giỏi phải đắn đo quyết định có trở về nước làm việc không, hoặc đắn đo có nhận lời mời (ít khi có được) sang nước ngoài một thời gian làm việc để nâng cao trình độ”.

Viện Toán cũng lưu ý ngay ở trong nước, có thể có những người khoa học rất giỏi nhưng hoạt động ở môi trường khác (kinh doanh, quản lí), vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy, nhưng vì công việc chính của mình nên không thể liên tục. 

“Khi họ muốn chuyển sang làm công tác đào tạo thì phải chờ ba năm, mới hy vọng đăng kí GS, PGS. Tất nhiên yếu tố đó sẽ làm họ phải cân nhắc hơn nhiều”. 

Nâng cao tiêu chuẩn PGS, GS

Viện Toán cho rằng hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đã yêu cầu luận án trong nhóm ngành Khoa học Tự nhiên phải có 1 - 2 bài báo ISI. 

Việc tách ra nhóm ngành Khoa học tự nhiên sẽ tạo điều kiện nâng cao đòi hỏi về số công bố quốc tế chất lượng cao, đồng thời bỏ được các tiêu chuẩn xa lạ so với thông lệ quốc tế trong hướng khoa học này.

"Vậy thì yêu cầu đối với PGS ít nhất phải gấp đôi, tức là nên nâng lên thành 4 bài ISI. GS không phải là hai lần PGS, nên việc qui định ít nhất có 8 bài ISI không có gì là quá đáng. 

Chúng ta cũng không nên quá khích bằng cách nâng cao hơn nữa số bài, vì như toàn bộ thảo luận trong văn bản này đã nêu rõ: thông tin về số lượng chỉ mang tính tham khảo, còn chất lượng mới mang tính quyết định. Chạy đua về số lượng đương nhiên làm ảnh hưởng đến chất lượng”".

Yêu cầu cụ thể đối với ủy viên Hội đồng ngành

Quan điểm của Viện Toán là bất kì việc đánh giá khoa học nào thì đều phải dựa trên ý kiến các chuyên gia. 

“Các qui định về số lượng chỉ là bước sơ tuyển, theo ngôn ngữ Toán học, chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là ý kiến của các chuyên gia. Trong việc phong học hàm, điều kiện này được thể hiện ở số phiếu tán thành của các ủy viên.

Đây là điều đúng đắn, thậm chí theo thông lệ quốc tế, là tiêu chuẩn quan trọng nhất”.

Chính vì là tiêu chuẩn quan trọng nhất, mà chất lượng thành viên Hội đồng đóng vai trò then chốt. Theo Viện Toán, thành phần chủ yếu của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phải cấu thành từ các Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch) Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành thì mới có cái nhìn bao quát, mới có cơ hội tạo ra sự thống nhất nào đó giữa các ngành. 

"Bởi vậy, chất lượng thành viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành là quan trọng nhất". 

Vì vậy, Viện kiến nghị giải pháp: kết hợp yêu cầu “Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm” trong dự thảo, với yêu cầu: “Đối với nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, có trên 50% số thành viên Hội đồng có ít nhất 8 bài báo đăng trên các tạp chí ISI, trong đó có ít nhất 3 bài đăng trên các tạp chí ISI trong 10 năm cuối”.

Phương Chi