Liên quan tới quyết định tạm dừng thu phí đối với các trạm BOT, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng việc triển khi thu phí tự động không dừng hiện có nhiều điểm trái với các quy định của pháp luật và trái với các thỏa thuận hợp pháp tại các Hợp đồng BOT. 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 3 trạm BOT phải tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng, hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.


Các trạm thu phí bị tạm dừng thu phí gồm: Trạm thu phí Km2079 + 535 QL1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Cam Thịnh - Km1517+ 647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 - Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh)

.

{keywords}
Trạm thu phí Bắc Hải Vân (ảnh: Đại Dương)

Trước vấn đề nói trên, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Hiệp hội) khẳng định, việc triển khai ETC là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt sẽ đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí. Tuy nhiên, Hiệp hội này cũng nêu quan điểm không đồng tình cách triển khai hiện nay của Tổng cục đường bộ Việt Nam.
 


“Việc triển khai ETC có nhiều điểm trái với các quy định tại Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự và trái với các thỏa thuận hợp pháp tại các Hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp giữa Doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư và các bên có liên quan. Điều này gây tâm lý hoang mang, làm mất niềm tin cùa nhà đầu tư vào chính sách pháp luật của Nhà nước và những rủi ro của môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam hiện tại.
 


Việc lựa chọn Nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu các Doanh nghiệp dự án/Nhà đầu tư ký phụ lục Hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung này, bao gồm cả việc ấn định % doanh thu phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC, đang có những bất cập, những khó khăn nhất định” - Hiệp hội cho hay.
 


Hiệp hội này cũng chỉ ra những bất cập của ETC khi chưa có sự thoả thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và Nhà đầu tư để điều chỉnh Hợp đồng BOT; bất cập liên quan đến Tài sản đang thế chấp tại ngân hàng và cách thức triển khai ETC gây ảnh hưởng đến phương án trả nợ ngân hàng; Việc triển khai ETC mới chỉ nhìn đến việc đảm bảo quyền lợi của Nhà đầu tư BOT mà chưa tính đến các rủi ro của doanh nghiệp dự án BOT…
 


Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên và tạo điều kiện đẩy nhanh công tác thu phí tự động không dừng nhằm hiện đại hoá công nghệ thu phí, tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người sử dụng, trong thời gian tới Hiệp hội cho biết, sẽ có báo cáo Chính phủ, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các Bộ cùng vào cuộc để kiểm tra, đánh giá.
 


Được biết trong tuần này, một cuộc làm việc giữa các bên liên quan tới việc tạm dừng thu phí trạm BOT chậm triển khai thu phí không dừng sẽ được tổ chức tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

(Theo Dân trí)