Phát biểu tại Hội thảo khoa học Suy dinh dưỡng gày còm và thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng khó khăn, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ cao ở vùng miền núi và Tây Nguyên.

"Đây là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng đối với hệ thống y tế và kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội", bà Xuyên cho biết. 

Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã triển khai nghiên cứu về tình hình suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm, khảo sát trên 400 trẻ dưới 5 tuổi, 200 mẹ có con dưới 5 tuổi và cán bộ y tế cơ sở tại hai huyện Bắc Mê (Hà Giang) và Sa Thầy (Kon Tum). Đây là hai địa phương miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Thạc sĩ Lê Việt Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Y học ứng dụng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi tại các điểm điều tra tại hai địa phương này còn cao, lần lượt là 26,5% và 25% ở Hà Giang và Kon Tum. Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Kon Tum là 2,5%, tại Hà Giang là 9%.

Kiến thức, thực hành về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi của các bà mẹ tại một số xã khu vực khó khăn cũng còn hạn chế. Bà mẹ có thực hành kém nhất về các vấn đề cho trẻ ăn kém đa dạng thực phẩm, thời điểm cai sữa sớm, ít sử dụng dầu mỡ trong chế độ ăn dặm của trẻ và các vấn đề liên quan đến vệ sinh trong chế biến thực phẩm. 

W-son-dinh-duong-1.jpg
Tiến sĩ Sơn chia sẻ về khó khăn trong phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tại Kon Tum và Hà Giang. Ảnh: V.Khánh

Chia sẻ về khó khăn trong phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Kon Tum và Hà Giang, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết nổi bật nhất là thiếu trang thiết bị đánh giá dinh dưỡng trẻ em như cân, thước gỗ đạt chuẩn; y tế cơ sở còn thiếu nhân lực và đang quá tải trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, nhiều hoạt động dinh dưỡng tại thôn bản bị bỏ qua.

Đề xuất một số giải pháp nhằm làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi tại một số xã khu vực khó khăn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam Trương Hồng Sơn đề xuất cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trên các kênh truyền thông đại chúng và cả trên các trang Youtube, Tiktok, Facebook chính thức của các đơn vị y tế.

"Cần tập trung vào một số vấn đề mà các bà mẹ quan tâm như theo dõi tăng trưởng về cân nặng và chiều cao, chế độ ăn dặm phù hợp với phong tục tập quán vùng khó khăn, chế độ ăn khi trẻ ốm, sử dụng dầu mỡ, thời điểm sử dụng một số thực phẩm quan trọng trong bữa ăn của trẻ, lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ...", ông Sơn nói. 

Bộ Y tế trong hướng dẫn thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể:

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gày còm dưới 5%.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15%.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%.

Minh An