Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Các quốc gia có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua các biện pháp phi vũ lực.
Khi nói đến biển Đông, người ta thường nhìn vào vấn đề tranh chấp và xung đột. Và xung đội này chỉ có thể xử lý theo nguyên tắc hòa bình.
Tại hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 2/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; phát huy các cơ chế đàm phán và hợp tác hiện có để xây dựng lòng tin; kiên trì giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị |
Bàn về giải pháp hòa bình trong xử lý tranh chấp, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao hồi đầu năm 2017, ông Trần Hữu Duy Minh, Khoa Luật, Học viện Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao cho biết, từ khi Hiến chương Liên hợp quốc ra đời và có hiệu lực, với tính phổ quát của tổ chức này, hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế đã trở thành một nguyên tắc pháp luật quốc tế ràng buộc tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới.
Với việc mở rộng nhanh chóng về thành viên của Liên hợp quốc và thực tiễn của các quốc gia, nguyên tắc này đã trở thành một nguyên tắc quan trọng của luật và tập quán quốc tế. Do đó, nguyên tắc có hiệu lực ràng buộc đối với mọi quốc gia trên thế giới, bất kể có là thành viên của Liên hợp quốc hay không.
Trong bài viết này, ông Minh cũng đề cập đến việc các quốc gia có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trong mọi trường hợp không được sử dụng vũ lực. Các biện pháp cụ thể để giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế được liệt kê ở Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm đàm phán, trung gian, hòa giải, điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực, các biện pháp tòa án, trọng tài và các biện pháp hòa bình khác. Các quốc gia có quyền tự do lựa chọn biện pháp mà họ thấy thích hợp. Luật pháp quốc tế hiếm khi quy định về một biện pháp bắt buộc nhất định và cho dù có quy định như thế thì quyền tự do lựa chọn về cơ bản vẫn được bảo đảm. Ví dụ như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định thủ tục bắt buộc mang tính chất ràng buộc (tòa án và trọng tài), nhưng cũng cho phép quyền của các quốc gia thành viên lựa chọn biện pháp khác, thậm chí quyền loại trừ áp dụng thủ tục bắt buộc trong một số trường hợp.
Tàu chiến Trung Quốc và Nga tập trận ở Biển Đông hồi tháng 9 năm 2016 |
Trong các biện pháp trên, đàm phán là biện pháp phổ biến nhất trong giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp được ghi nhận và luôn đi cùng với nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực. Hai nguyên tắc này giống như hai mặt của đồng xu, và có thể nói nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp là hệ quả tất yếu và đi kèm với việc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Theo ông Minh, với tư cách là hai quốc gia, Việt Nam và Trung Quốc chịu ràng buộc của nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và tập quán quốc tế.
Không một nước nào được phép sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, trong đó có cả tranh chấp trên Biển Đông. Các văn kiện khu vực và song phương giữa hai nước luôn nhấn mạnh chủ yếu đến biện pháp tham vấn và đàm phán, không nhắc đến và cũng không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp tài phán.
Hơn nữa, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đã được ghi nhận và nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện song phương và khu vực. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (Tuyên bố DOC). Các bên tái khẳng định cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Các bên cũng cam kết “sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.”
Trong quá trình giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai nước đều cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như thể hiện nhất trí về việc không làm phức tạp, mở rộng tranh chấp. Và trong các tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây, nghĩa vụ không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp luôn được nhắc lại nhiều lần.
Như vậy có thể nói, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp là một nguyên tắc cơ bản, là một nghĩa vụ quốc tế mà các quốc gia đều phải tuân thủ.
Bảo Linh - Phương Cúc