Trong câu chuyện về làng cũ, quê xưa, nhiều bậc trung niên và cao niên ở các làng nhắc khá nhiều đến con đường gạch nghiêng - một nét kiến trúc được coi là “đặc sản” của các vùng quê Bắc Bộ.
Trước kia, theo tục lệ các làng, con gái trước khi lấy chồng phải góp gạch cho làng để làm đường. Gạch đỏ, lát nghiêng trở thành hình ảnh quen thuộc của rất nhiều làng quê và cũng là chỉ báo của hạnh phúc. Làng nào có nhiều đường lát gạch nghiêng, chứng tỏ cuộc sống của làng sung túc và giàu có. Đến nay, những con đường lát gạch nghiêng gần như không còn.
Nhắc nhớ lại dấu tích này, ông Nguyễn Tri Trù (75 tuổi, làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) tâm tư: “Vẫn biết, trong đời sống hiện đại, chúng ta phải chấp nhận nhiều nét xưa biến mất, nhưng có nhiều thứ mất đi, chúng tôi vẫn rất tiếc nuối”.
Để bảo tồn các công trình kiến trúc tại các làng cổ Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thực hiện Đề án “Kiến trúc nông thôn từ truyền thống đến hiện đại, gắn kết thời kỳ hội nhập”, trong đó đã khảo sát và vẽ lại kiến trúc của nhiều đình làng, ngôi nhà cổ tại một số làng quê Hà Nội.
Trong đó, “Sổ tay kiến trúc nông thôn Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng và được bổ sung, cập nhật thường xuyên làm cơ sở dữ liệu phục vụ cộng đồng.
Để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu cho “Sổ tay kiến trúc nông thôn Việt nam”, Hội kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tập hợp, chọn lọc và thiết kế các kiểu nhà ở nông thôn với sự tham vấn của Hội đồng chuyên gia và ý kiến cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Các kiểu nhà ở nông thôn được tập hợp trên cơ sở các tiêu chí: (i)Thích ứng với điều kiện tự nhiên có tính đặc trưng vùng miền (ii) Thích ứng với điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện kinh phí đầu tư xây dựng của đại bộ phận dân cư nông thôn, nhu cầu sử dụng, phương thức sinh hoạt và lối sống văn minh (iii) Thích ứng với xu hướng sinh thái, thân thiện với môi trường tự nhiên, bền vững; (iv) Kế thừa và phát huy các giá trị cốt lõi của kiến trúc truyền thống tiêu biểu theo dân tộc, vùng miền; (v) Phù hợp với điều kiện sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên có sẵn tại chỗ, công nghệ kỹ thuật xây cất truyền thống hoặc khả năng kết hợp ứng dụng công nghệ mới và vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Bên cạnh các nghiên cứu mẫu thiết kế được bổ sung và cập nhật thường xuyên, cần có những biện pháp tiếp cận cộng đồng hiệu quả, đảm bảo các kết quả nghiên cứu được truyền tải đến người dân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Cung cấp thông tin khoa học để khuyến khích ứng dụng. Thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực phát triển kiến trúc nông thôn, sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, và có khả năng điển hình hóa nhân rộng. Đẩy mạnh quá trình từ nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm có tính ứng dụng thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Theo đó, góp phần bảo tồn các giá trị cốt lõi của kiến trúc truyền thống có tính tiêu biểu; Phát huy đặc trưng vùng miền; Hướng đến đại bộ phận người dân có thể tiếp cận miễn phí; Cụ thể hóa ngay Chị thị 04-CT-TTg ngày 07/02/2023 về định hướng phát triến kiến trúc nông thôn và Quyết định 1246/QĐ-Ttg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.