Những người từng học thiết kế nội thất hay kiến trúc đều biết đến kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật - Tadao Ando. Năm nay 81 tuổi, ông cho biết mình mắc nhiều loại ung thư từ năm 2009. Đến nay, ông đã cắt bỏ 5 cơ quan nội tạng bao gồm túi mật, ống mật, tá tràng, tuyến tụy và lá lách.
Mặc dù mắc rất nhiều bệnh tật, nhưng ông vẫn hoạt động tích cực trong ngành xây dựng, chưa kể ông không cần người chăm sóc đặc biệt, vẫn có thể tự lập trong sinh hoạt hằng ngày, cơ thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào.
Đi 10.000 bước mỗi ngày để ung thư không tái phát
Dù sinh ra là một người sống tích cực, vui tính, Tadao Ando vẫn thừa nhận khi biết mình mắc bệnh ung thư, ông cảm thấy cuộc đời mình như rơi xuống đáy vực. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Nếu thất bại, bạn phải lên kế hoạch cho lần sau, những lần sau nữa và nỗ lực gấp đôi. Phải tiến lên, không bao giờ nản chí!”. Châm ngôn này đã giúp ông vượt qua quãng thời gian khó khăn khi chiến đấu với những căn bệnh ung thư.
Thông qua lời khuyên của bác sĩ điều trị vào thời điểm đó, Tadao Ando bắt đầu đặt mục tiêu đi 10.000 bước mỗi ngày, trong đó có việc đi bộ đến văn phòng để làm việc. Theo Aboluowang, sức khỏe của ông dần dần được cải thiện, tốc độ sửa chữa tế bào cũng tăng lên, trong hơn 10 năm kể từ khi phát bệnh, ung thư không có dấu hiệu tái phát và không có cơ quan mới nào xuất hiện các khối u.
Tại sao đi bộ lại giúp phòng ngừa ung thư?
Keiichi Nakagawa, bác sĩ y học phóng xạ tại Bệnh viện Đại học Y khoa Tokyo, Nhật Bản, người đã tham gia điều trị ung thư cho kiến trúc sư Tadao Ando, chia sẻ dữ liệu của cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ 15 năm do Bệnh viện Đại học Tokyo thực hiện với 9.677 nam giới. Trong số đó, tỷ lệ tử vong do ung thư của những người hoàn toàn không tập thể dục cao gấp 4 lần so với những người tích cực tập thể dục và cũng cao gấp đôi so với những người thỉnh thoảng tập thể dục.
Mặt khác, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Mỹ, những người có thói quen tập thể dục không chỉ giảm 40-50% khả năng mắc ung thư đại trực tràng so với những người không tập thể dục, mà còn giảm 30-40% nguy cơ phát triển ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ở các bộ phận khác nhau của tử cung phụ nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Toshio Goto, bác sĩ chuyên khoa đường ruột ở Nhật Bản, cho biết nghiên cứu y học hiện nay nhìn chung coi tổn thương gene do oxy hoạt tính gây ra là nguyên nhân chính gây ung thư. Đi bộ thường xuyên có thể giúp cơ thể chống lại quá trình oxy hóa và thải oxy hoạt tính ra ngoài, đồng thời tăng cường sức đề kháng, tăng số lượng tế bào miễn dịch và lưu thông bạch huyết, đẩy nhanh tốc độ tế bào miễn dịch loại bỏ các yếu tố gây ung thư.
Có thể thấy việc đi bộ tuy nhẹ nhàng nhưng cũng là hình thức vận động toàn thân, tốt không kém các bộ môn thể dục thể thao khác. Vì vậy, hiệu quả của nó cũng tương đương như tập thể dục.
Không cần phải đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, nhưng có thể đi bộ 60 đến 90 phút mỗi tuần
Ngay cả khi bạn không thể đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, bạn vẫn nên đi bộ 8.000 bước mỗi ngày hoặc chọn 2 đến 3 ngày một tuần và đi bộ hơn 30 phút cho đến khi cơ thể nóng và đổ mồ hôi. Một thể chất tốt với khả năng miễn dịch mạnh mẽ sẽ không bị cảm lạnh và ung thư.
Ngoài ra khi đi bộ nên kết hợp giữa đi bộ nhanh và đi bộ bình thường để có thể tăng cường hiệu quả của việc đi bộ và giúp đốt cháy mỡ hiệu quả nếu bạn đang muốn giảm cân.
Hà Vũ