Hoang tưởng mắc bệnh nan y

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, mới đây các bác sĩ đã tiếp nhận nữ bệnh nhân tên X. (72 tuổi, Long Biên, Hà Nội) bị trầm cảm, mất ngủ, có biểu hiện hoang tưởng.

Hai năm trước, anh trai của bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày. Từ đó, bà X. bắt đầu sợ hãi mình mắc ung thư. Ở tuổi 72, người phụ nữ này kiêng khem đủ thứ. 

Hằng ngày, bà chỉ ăn rau xanh, trứng luộc, kiêng thịt đỏ, thực phẩm tanh khiến cơ thể gầy mòn, xuống cân, da xanh. Gia đình khuyên người phụ nữ này phải ăn đủ chất nhưng bà vẫn giữ quan điểm phòng bệnh. 

Khoảng 6 tháng nay, bà X. thường xuyên mất ngủ, có biểu hiện hoang tưởng, nghĩ rằng mình sắp chết vì bệnh nan y. 

Người thân đã đưa bà X. đi khám sàng lọc nhưng không phát hiện bất thường. Bà cho rằng con cháu giấu mình nên luôn đòi đi kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ giới thiệu bà nên kiểm tra thêm sức khỏe tâm thần.

bs tran hong thu.png
Bác sĩ Thu tư vấn về bệnh rối loạn tâm thần. Ảnh: BSCC.

Tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, nữ bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lo âu và trầm cảm. Bác sĩ Thu cho biết, bà X. được chỉ định điều trị tâm lý cũng như tư vấn thay đổi hành vi, sử dụng thuốc. Qua 2 tháng, người bệnh lên cân, ngủ tốt hơn.

6 cách phòng bệnh ung thư

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh - Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, ung thư là bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao. Bệnh không chỉ gây sợ hãi cho chính bệnh nhân mà cả người thân của họ. 

Theo bác sĩ Cảnh, ung thư có thể dự phòng được nếu người dân có ý thức ngăn ngừa từ sớm. Các biện pháp phòng bệnh cần lâu dài, tạo thành thói quen và không nên kiêng khem thái quá, thiếu khoa học.

Bác sĩ Cảnh khuyến cáo biện pháp dự phòng ung thư cũng như các bệnh lý khác như:

Chế độ ăn uống lành mạnh

Hằng ngày, nên ăn đầy đủ các nhóm chất và tăng cường thêm rau, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất xơ. Ưu tiên những thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chứa chất béo như dầu ô liu, bơ và cá thay cho thịt đỏ. Hạn chế thức ăn chứa nhiều calo, giàu chất béo bão hòa, hạn chế sử dụng những món chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ uống có ga.

Thường xuyên tập thể dục, duy trì cơ thể cân đối

Tập thể dục thể thao đều đặn 30 phút mỗi ngày. Đồng thời nên hạn chế ngồi quá lâu một chỗ, tăng cường vận động. Hoạt động thể chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, duy trì cơ thể cân đối.

Việc thường xuyên tập thể dục giúp chúng ta kiểm soát tình trạng thừa cân và béo phì. Người béo phì có nguy cơ mắc những bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời

Tia cực tím có trong ánh nắng có thể làm tổn thương da và gây ung thư da. Thông thường từ 10 đến 16h tia cực tím trong ánh sáng mặt trời hoạt động mạnh. Vì vậy, phải thoa kem chống nắng hằng ngày ngay cả khi không có ánh nắng. 

Không hút thuốc, tránh xa khói thuốc

Hút thuốc là nguyên nhân gây nên 90% các trường hợp ung thư phổi và nguyên nhân của 35% trong tổng số các bệnh ung thư. Người sống trong môi trường nhiều khói thuốc cũng khiến nguy cơ mắc các bệnh ung thư trở nên cao hơn.

Tiêm vắc xin đầy đủ

Tiêm chủng là cách phòng ngừa các bệnh lý do virus gây ra. Trên thị trường hiện nay có những vắc xin giúp phòng chống một số bệnh ung thư hiệu quả như: vắc xin viêm gan B làm giảm thiểu nguy cơ mắc xơ gan, ung thư gan, vắc xin ngừa HPV giúp phòng ung thư cổ tử cung.

Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát định kỳ, đặc biệt đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao giúp phát hiện các mầm mống tế bào ác tính trong cơ thể ngay khi chưa có biểu hiện rõ ràng nào, từ đó tìm ra những biện pháp điều trị hợp lý.