Mấy tháng liền không có giao dịch, vay người quen gần 20 triệu không có tiền trả, được giao dịch đầu tiên thì gặp ngay khách đòi chiếu khấu hết cả phần hoa hồng… Nam - môi giới một công ty có tiếng ở Sài Gòn, bùi ngùi kể lại những ngày mới vào nghề.

Bất động sản nóng lên, câu chuyện môi giới kiếm tiền tỷ được tung hô. Nhưng đó chỉ là “hạt cát” trong những nhọc nhằn và cả nước mắt của những người dấn thân vào nghề này.

Năm 2012, đang làm phục vụ cho một nhà hàng tại quận 1, tình cờ có một khách hàng hỏi chuyện Nam và khuyên nên đổi nghề sang làm môi giới. “Anh ấy nói em có vẻ nhanh nhạy, nếu làm phục vụ nhà hàng sẽ khó có cơ hội phát triển, em thử sang bất động sản làm xem sao” - Nam kể lại.

{keywords}
Nghề môi giới nhà đất cũng lắm truân chuyên. (Ảnh minh họa)

“Lúc đầu, nghe anh ấy nói mức thu nhập hấp dẫn, em cũng nảy sinh ý định làm thử xem sao. Nhưng lao vào rồi mới thấy con đường kiếm tiền cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt chứ không hề đơn giản” - Nam nói.

Trở lại những ngày chập chững vào nghề, Nam cho biết, thời điểm đó, công nghệ chưa phát triển nhiều như bây giờ. Để kiếm khách hàng, môi giới phải đi phát tờ rơi, gọi điện, spam tin nhắn, thậm chí leo cột điện treo băng rôn.

Mỗi ngày Nam gọi gần 100 cuộc điện thoại cho khách hàng theo danh sách được công ty cấp. May mắn lắm mới có 10 khách quan tâm đến thông tin dự án. Trong đó, chỉ có 1 - 2 khách đồng ý gặp để tư vấn.

“Gọi điện bị khách từ chối là chuyện bình thường, có khi còn bị chửi. Mới đầu cũng thấy tủi nhục, nhưng làm mãi rồi cũng quen và chấp nhận nó là chuyện thường. Làm sale thì phải chịu thôi. Ai không chịu được thì chỉ có bỏ nghề.

Bài học đáng nhớ nhất của em là bị dân phòng đưa về phạt 2 triệu vì treo băng rôn. Hồi đó, công ty đang chạy dự án mới, 20 sale mỗi người phải treo 100 băng rôn. Mọi người phải đợi lúc đêm khuya mới đi treo để không bị để ý. Mấy anh chị có kinh nghiệm thấy dân phòng là họ chạy. Chỉ có em mới vào nghề là bị tóm. Cuối cùng công ty phải bỏ tiền chịu phạt” - Nam chia sẻ.

Đến tháng thứ 4 kể từ ngày vào công ty, Nam mới có giao dịch đầu tiên trong nghề môi giới. Cầm 15 triệu hoa hồng mà trả nợ hết 12 triệu vay mượn sống qua ngày từ mấy tháng trước.

Đến thời công nghệ, nhiều công cụ hỗ trợ giúp môi giới nhưng sự cạnh tranh cũng không kém phần khốc liệt. Mới vào làm môi giới khoảng 1 năm, My, vốn là dân học công nghệ, sử dụng khá nhiều kênh online để tìm khách.

Ngoài việc đăng tin rao vặt, My còn quảng cáo trên google adword, facebook… Lúc đầu, khi ít người làm thì khá hiệu quả nhưng càng ngày sự cạnh tranh càng cao.

“Bây giờ đăng tin thì phải dùng tin VIP, chi phí mỗi tuần cũng gần 2 triệu mà vào trang nào cũng ngập tràn tin VIP chứ không phải ít. Chạy quảng cáo google adword có những từ khóa hot, đấu thầu giá rất cao. Chỉ cần 1 cú click là coi như mất một “tô phở” chứ chẳng chơi” - My chia sẻ.

Cũng theo My, dùng kênh nào để tìm khách hàng thì cũng có giá của nó, dùng ít sức thì chi phí nhiều. Còn muốn giảm chi phí thì cứ ra đường phát tờ rơi, gọi điện…

Có được khách hàng đã khó, chăm sóc cho đến khi họ xuống cọc cũng trần ai không kém. “9 - 10h tối khách gọi mình vẫn vui vẻ tư vấn, thế nhưng có khi mình gọi lại thì nhận ngay một câu gọi gì mà lắm thế. Có lần em hẹn khách ở Sài Gòn đề cùng đi xem dự án ở Vũng Tàu. Chị khách nói em cứ xuống trước rồi nhà chị đi ô tô xuống sau. Đi đến giữa đường cao tốc thì khách báo bận không đi được. Trong túi lúc đó chỉ còn 500 ngàn cuối tháng mà phải trả mất hơn 300 ngàn tiền xe đi và về, chẳng được việc gì” - My kể lại.

“Đau xót trong nghề mà nhiều môi giới gặp phải là chuyện “cắt máu”. Theo dân trong nghề thì đây là tình huống gặp những khách “keo kiệt” muốn bòn rút từng đồng, họ chọn được sản phẩm rồi hỏi nhiều sale, ai chiết khấu cao hơn ngoài mức giá công ty thì họ đồng ý mua của người đó. Nhiều khi vì cạnh tranh doanh số, sale đành phải cắt hết tiền hoa hồng cho khác” - Nhật, một môi giới thâm niên cho biết.

Thị trường nóng lên, môi giới sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, cũng chỉ có khoảng 20% môi giới có kinh nghiệm có thể có mức thu nhập tốt. Còn lại mức lương chỉ khoảng 3 triệu/tháng, 80% môi giới còn lại đa phần vẫn nhiều cơ cực.

Quốc Tuấn