Sau 2 năm triển khai thực hiện công tác giảm nghèo theo chuẩn nghèo mới của giai đoạn 2021- 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) tuy đã giảm, nhưng còn ở mức cao, chiếm 34,12%, tương đương với 2.027 hộ. Đặc biệt, phân theo nhóm tuổi, hộ nghèo trong độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao.
Theo chỉ tiêu giảm nghèo do UBND tỉnh Quảng Ngãi giao, năm 2024, huyện Sơn Tây cần giảm 490 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo về 25,41%.
Xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây được coi là một trong những địa phương trong huyện có số hô nghèo thoát nghèo cao. Năm 2023, toàn xã có 34 hộ thoát hộ nghèo, đạt và vượt kế hoạch huyện giao. Hiện, xã Sơn Tinh chỉ còn 216 hộ nghèo.
Phân loại từng nguyên nhân khó thoát nghèo của các hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp là cách thức để xã tự tin trên hành trình giảm nghèo.
Chị Đinh Thị Thà, ở thôn Bà He, xã Sơn Tinh, năm 2023 vẫn còn là hộ nghèo. Xác định gia đình có sức lao động nhưng thiếu sinh kế, thiếu hướng đi thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ hộ nghèo này nguồn vốn, cây, con giống để phát triển sản xuất.
Bản thân chị Thà còn được xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn để nắm vững kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, từ đó có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Không phụ sự hỗ trợ của địa phương, cuối năm 2023, gia đình chị thoát nghèo. Năm 2024, chị tiếp tục các mô hình sinh kế đã được hỗ trợ từ trước như nuôi bò, nuôi dê trong vườn.
Nhiều hộ gia đình như chị Thà được xã Sơn Tịnh phối hợp hỗ trợ vốn, cây, con giống. Điều quan trọng là các sinh kế này không chỉ phù hợp với nhu cầu từng gia đình, bởi các hộ được quyền tự đăng ký nhu cầu hỗ trợ; mà còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương.
Cùng quan điểm muốn hỗ trợ trúng đích phải có chuẩn dữ liệu nguyên nhân nghèo thông qua điều tra, rà soát từng hộ gia đình, lãnh đạo xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tinh) cho hay tại xã này, hộ nào thiếu vốn, ưu tiên cho vay vốn; hộ thiếu nhà ở thì ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà; hộ thiếu kiến thức làm ăn, cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn…
Cùng đó, việc bám sát, đốc thúc, động viên hỗ trợ kịp thời người dân giảm nghèo cũng rất quan trọng. Ban Chỉ đạo Công tác giảm nghèo của xã Sơn Mùa phân công các thành viên phụ trách từng thôn; từ đây, các thôn, tổ chức đoàn thể lại được phân công phụ trách đến từng hộ nghèo “cầm tay, chỉ việc". Nhờ vậy, năm 2023, xã Sơn Mùa có 50 hộ thoát nghèo, đưa số hộ nghèo toàn xã về 181, tương đương tỷ lệ 21,41%.
Gia đình anh Đinh Văn Nhột, thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, là một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo bền vững, tự vươn lên đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản khác nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Gia đình anh vốn sống trong căn nhà tạm bợ, nhiều năm không thể sửa chữa do hoàn cảnh quá khó khăn.
Rồi anh được hỗ trợ 500 con gà, vay vốn để mua bò sinh sản. Từ một con bò, đến nay gia đình anh có 3 con, gia đình chăn nuôi kết hợp trồng cây keo. Có vốn, có sinh kế, việc làm ổn định, anh tích góp cộng thêm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Nhột đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Thoát nghèo, anh tiếp tục cố gắng làm ăn để chăm lo cho các con học hành, đến trường đúng độ tuổi, đầy đủ, được chăm lo sức khoẻ, có BHYT...
Một trong những kinh nghiệm trong thực hiện công tác giảm nghèo của huyện Sơn Tây là phát huy trách nhiệm của các cấp, ngành; đặc biệt là nhận thức của người dân. Người dân nơi đây đã nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững, xoá bỏ tư tưởng không muốn thoát khỏi “hộ nghèo” để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.
Xác định chỉ tiêu giảm 8,71% hộ nghèo trên toàn huyện là thách thức lớn, lãnh đạo huyện Sơn Tây ngay từ đầu năm đã thể hiện quyết tâm cao, thông qua việc chủ động xây dựng và ban hành các văn bản, kế hoạch để triển khai công tác giảm nghèo; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo…