Lịch sử thế giới trong hơn 200 năm qua đã chỉ ra một quy luật bất biến: Mỗi khi có sự đột phá về công nghệ hay mỗi khi có cuộc cách mạng công nghiệp thì đó chính là bước ngoặt, là thời điểm mở ra những cơ hội vô cùng to lớn cho các quốc gia, dân tộc và cho các doanh nghiệp, đặc biệt các quốc gia có khả năng sáng tạo, đi đầu trong việc đưa công nghệ mới vào thực tiễn, đi tiên phong là các doanh nghiệp công nghệ.

Anh thay 4.8.jpg
Với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), sự phổ cập của Internet tốc độ cao, điện thoại thông minh (smartphone), thương mại điện tử,... khiến kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều lần kinh tế truyền thống. Ảnh: VNPT

Bằng việc nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo ra những sản phẩm, dịch vụ công nghệ có năng suất lao động cao hơn, dễ sử dụng hơn, tiện nghi hơn và áp dụng những tiến bộ công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội, của người dân, nhiều quốc gia đã tạo ra giai đoạn tăng trưởng kinh tế rất cao trong vài chục năm liên tiếp để vươn lên trở thành quốc gia giàu có, thịnh vượng.

Trong thế kỷ 20, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc - với kỳ tích trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành nền kinh tế phát triển.

Nhật Bản đã thành công nhờ việc lấy công nghiệp nặng (đóng tàu, điện, than, thép), ô tô, điện tử làm động lực chính cho tăng trưởng.

Hàn Quốc đã thành công nhờ việc lấy ô tô, điện tử, điện thoại di động làm động lực chính cho tăng trưởng. Ðài Loan (Trung Quốc) thành công với việc lấy máy tính và bán dẫn làm động lực cho tăng trưởng.

Trung Quốc đang thành công với việc lấy xe ô tô điện, xe ô tô tự lái, công nghệ viễn thông, điện thoại di động, kinh tế số (thương mại điện tử, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo) làm động lực chính cho tăng trưởng.

Trong 30 năm qua (1994-2024), Việt Nam chúng ta thuộc nhóm các nền kinh tế có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, thế nhưng chu kỳ tăng trưởng cao nhất của Việt Nam chỉ đạt mức tăng từ 7-9%/năm, vẫn thấp hơn chu kỳ tăng trưởng cao nhất trên 10%/năm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc.

Nhân loại đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), sự phổ cập của Internet tốc độ cao, điện thoại thông minh (smartphone), mạng xã hội, thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến... khiến kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều lần kinh tế truyền thống.

Ở nhiều quốc gia, kinh tế số đang bắt đầu trở thành động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Với tố chất con người, tầm vóc dân tộc, vị thế và tiềm lực của quốc gia, cùng những kết quả ban đầu trong việc phát triển kinh tế số trong vài năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, mobile game, thương mại điện tử, tài chính kỹ thuật số, gọi xe và đặt đồ ăn trực tuyến... trong ít nhất 30 năm tới (2025-2054), Việt Nam chúng ta nên chọn kinh tế số làm động lực chính cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. 

Tại sao kinh tế số lại là động lực cho tăng trưởng?

Chúng ta chọn kinh tế số là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế trong 30 năm tới, bởi các lý do sau: Tốc độ tăng trưởng cao gấp 2,5-4 lần mức tăng trưởng của kinh tế truyền thống; Giá trị gia tăng và năng suất lao động cao hơn từ 1,5-8 lần so với các ngành kinh tế truyền thống; Là nền tảng cho sự tăng trưởng của các ngành kinh tế truyền thống khác; Không có biên giới, dễ dàng toàn cầu hóa; Cần ít vốn đầu tư; Phát huy tốt nhất tố chất và tiềm năng của người Việt.

Báo cáo “e-Conomy SEA 2023” của Google, Temasek và Bain & Company đưa ra dự đoán trong giai đoạn 2025-2030, kinh tế số Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất và đồng thời cũng là quốc gia có tỷ trọng kinh tế số trên tổng GDP cao nhất ASEAN (tỷ trọng kinh tế số trên GDP quốc gia năm 2030: Việt Nam 26,79%, Thái Lan 22%, Philippines 19,46%, Indonesia 15,19%, Malaysia 10,95%, Singapore 9,5%).

Một thống kê khác, không nằm trong báo cáo “e-Conomy SEA 2023”, cho thấy xuất khẩu phần mềm cũng đạt con số tăng trưởng 25% một năm (lưu ý rằng trong báo cáo e-Conomy SEA chưa tính dịch vụ phần mềm, dịch vụ viễn thông, mobile game, AI, bán dẫn vào kinh tế số).

Các ngành thuộc kinh tế số có giá trị gia tăng và năng suất lao động cao hơn rất nhiều so với các ngành kinh tế truyền thống. Theo thống kê, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm có giá trị gia tăng đầu người từ 31.500 - 40.500 USD, trong khi ngành dệt may, giày da khoảng 6.948 USD. Như vậy giá trị gia tăng của xuất khẩu phần mềm cao gấp 4,5 đến 5,8 lần dệt may, da giày.

Chưa hết, giá trị gia tăng của lĩnh vực phát triển sản phẩm “Make by Vietnam”, AI, thiết kế chip, phát triển mobile game còn cao hơn xuất khẩu phần mềm.

Mặt khác, ngành dệt may, da giày chủ yếu là doanh nghiệp FDI, vì thế lợi nhuận là của khối FDI, còn kinh tế số hầu hết là của các doanh nghiệp Việt Nam.

Một điểm rất quan trọng, người Việt có tiềm năng lớn trong lĩnh vực kinh tế số. Bằng chứng có thể kể tới: Viettel giữ vị trí công ty viễn thông hàng đầu ASEAN trong nhiều năm, là thương hiệu viễn thông có giá trị lớn thứ 15 toàn cầu, đứng trên nhiều công ty viễn thông của các nước kinh tế phát triển; FPT Software là công ty phần mềm ASEAN đầu tiên đạt doanh thu xuất khẩu phần mềm trên 1 tỷ USD; Ở Nhật Bản đã có Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tại Nhật Bản; Việt Nam thuộc Top 7 thế giới về sản xuất mobile game.

Về bán dẫn, Việt Nam nằm trong khu vực Ðông Á, nơi thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn, với các tên tuổi lớn như: TSMC, Samsung, SK Hynix, UUMC, MediaTek).

Ðể củng cố niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số, chúng ta hãy nghe tỷ phú Narayana Murthy, một trong 12 doanh nhân vĩ đại nhất thời đại của Fortune nói trên VTV4 trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2024: “Người Việt Nam được biết đến với khát vọng lớn, sự chăm chỉ, sự hy sinh và khả năng đạt được bất cứ điều gì mà họ muốn.

Ðây là một quốc gia tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và tự tin. Ngoài Ấn Ðộ ra thì Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á (không phải Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc hay Malaysia), có thể thành công lớn trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm (đạt con số tỷ USD như FPT)”.

Việt Nam phải làm những gì?

Ðầu tiên phải quan tâm tới hạ tầng viễn thông. Kinh tế số là kinh tế trên nền tảng Internet, vì thế cần Internet tốc độ cao, có độ phủ rộng khắp đến “hang cùng, ngõ hẻm”, rừng núi và hải đảo.

Việc triển khai mạng 5G cần được đẩy thật nhanh. Cùng với đó, cần quan tâm hơn tới logistics - nền tảng cho thương mại điện tử. Giao hàng nhanh chóng giúp hàng hóa lưu thông, vòng quay tiền ngắn, và phí logistics thấp giúp cho việc sử dụng vốn hiệu quả cao.

Việc phát triển giao thông, bao gồm cả hàng không, đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc rất quan trọng. Bài học của Trung Quốc rất đáng để học tập: Nhờ có hệ thống đường sắt cao tốc nên đã đạt chuẩn giao hàng thương mại điện tử chỉ 24h trên toàn quốc, trong khi chuẩn của Mỹ là 72h.

Mặt khác, ngân hàng số, thanh toán và cho vay online của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN (chỉ trong vòng vài năm sau đại dịch Covid-19, việc chuyển tiền online đã nhanh chóng trở nên phổ cập; một số ngân hàng đã cung cấp dịch vụ thanh toán online, QR code sang một số nước ASEAN), thế nhưng, tỷ trọng thanh toán online vẫn chưa thật cao.

Cần tiếp tục triển khai theo hướng hỗ trợ để việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế ngày càng nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Ðiểm cuối cùng, Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng hệ thống Chính phủ số hiệu quả, đồng thời cần tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch về kinh tế số.  

Ðỗ Cao Bảo, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Tập đoàn FPT