Các HTX đã chủ động tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả theo chuỗi giá trị, khẳng định được vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

anh bai 36 hoa binh.jpg
Các HTX đã chủ động tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả.

Ông Bùi Ngọc Lẻo, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, cho biết: Thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu bình quân một HTX đạt 1,75 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 190 triệu đồng. Về lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 335 HTX với hơn 5.400 thành viên. Ngành hàng hoạt động đa dạng, trong đó tập trung nhiều vào loại nông sản thế mạnh của địa phương như: rau, củ quả, cây có múi; cây dược liệu; cây lương thực; lợn bản địa; dê núi; cá sông Đà… HTX liên kết cung ứng dịch vụ, các vật tư đầu vào và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho thành viên, các hộ dân, trang trại ở địa phương.

Hiện nay, một số HTX đã có nhãn hiệu sản phẩm, được chứng nhận sản phẩm OCOP có vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, có năng lực bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên, đặc biệt các HTX nông nghiệp đã giúp các địa phương thực hiện tốt giải pháp chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới, hình thành các vùng hàng hóa tập trung, có quy mô; giúp thành viên và người dân giảm đáng kể chi phí sản xuất, ổn định đầu ra và nâng cao giá trị gia tăng.

 Những năm qua, Huỵện Tân Lạc đang có những bước chuyển mình đáng kể về kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, diện mạo nông thôn mới nâng cao đang hình thành và phát triển. Góp phần vào sự phát triển đi lên đó là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của kinh tế tập thể, HTX.

Hiện nay, toàn huyện có 19 HTX nông, lâm nghiệp đang hoạt động, trong đó có 13 HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGAP; 1 HTX có sản phẩm được công nhận hữu cơ; 5 HTX có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm; 7 HTX ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong trồng trọt như: nhà lưới, kho lạnh, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm....

 Các HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP của huyện và trở thành yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ sản xuất phát triển nên nhiều năm liền huyện Tân Lạc có mức tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.

 HTX Sản xuất rau an toàn Quyết Chiến là 1 trong những HTX điển hình của huyện Tân Lạc về sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIetGAP, đảm bảo an toàn từ khâu chăm sóc thu hoạch đến khâu chế biến. HTX đã và đang mở rộng phát triển rất nhanh, đem lại thu nhập ổn định cho 53 hộ thành viên, lợi nhuận trên đất canh tác đạt 400 triệu đồng/ha/năm.

 Tương tự, HTX Dịch vụ và Phát triển nông lâm nghiệp nông thôn Tùng Dương, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (HTX Tùng Dương) triển khai hiệu quả mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Đến nay, HTX Tùng Dương đã xây dựng thành công 3 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với với các đối tác. Trong đó có "Chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối”. Nắm bắt nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, vụ ngô 2019 - 2020, HTX đã ký kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối với Công ty T&T 159. Diện tích sản xuất thí điểm ở vụ ngô này là 16 ha tại xã Mỹ Hòa. Kết quả, tổng sản lượng đã đạt 560 tấn/vụ, tổng doanh thu đạt 672 triệu đồng; trung bình đạt 42 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế tăng 1,5 lần so với trồng ngô truyền thống nhưng thời gia thu hoạch giảm 1/3. Sản phẩm của HTX đã được các công ty chăn nuôi và các trại bò trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận biết đến.

  Có thể nói, việc phát triển HTX tại Hòa Bình theo hướng thực chất hiệu quả đã góp phần hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tránh được manh mún. Đồng thời, giúp cho các thành viên chủ động sản xuất, tránh được rủi ro và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết giữa các hộ nông dân với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông lâm thủy sản. Các THT,HTX cũng thông qua hoạt động của mình để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, HTX, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình xác định, tập trung nguồn lực, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tại các vùng khó khăn, vùng DTTS, miền núi. Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể theo hướng khuyến khích tăng số lượng thành viên, quy mô hoạt động của HTX, thúc đẩy liên kết sản xuất phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;  đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể, hoạt động của các HTX...

Thái Khang và nhóm PV, BTV