Giai đoạn khó khăn nhất đã trôi qua
Tại hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” ngày 26/3, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025 là rất thách thức. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt của sự chuyển đổi, nếu nỗ lực về chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy.
Bước ngoặt chuyển đổi này thể hiện qua tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP tăng lên nhanh chóng những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Phân tích thêm, ông Thành cho hay, giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã trôi qua và giờ cần nắm bắt cơ hội để vượt qua và bứt quá.
Chỉ ra loạt điểm tích cực chưa từng có của thị trường trong giai đoạn này, vị chuyên gia cho rằng, nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại tài chính đầu tư lớn nhất của Việt Nam đã giảm về mức thấp, lạm phát giảm nhanh nên áp lực lên chính sách tiền tệ sẽ giảm. Bên cạnh đó, xu thế phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ,... đang rất mạnh mẽ.
Đáng chú ý, Việt Nam vẫn giữ vững lãi suất điều hành, tài chính tiền tệ tốt lên, tỷ giá dù có biến động nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Một điểm tích cực khác là xuất khẩu tăng rất mạnh, từ âm năm trước đã bắt đầu tăng, công nghiệp chế biến chế tạo quay trở lại trở thành động lực tăng trưởng.
Còn TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhìn nhận, Việt Nam đang có 7 trợ lực quan trọng.
Đó là kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi nhưng lạm phát giảm nhanh và lãi suất thế giới bắt đầu giảm, dự báo năm 2024-2025 sẽ tốt hơn với Việt Nam. Nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì. Vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ; thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin phục hồi, dù còn chậm. Khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư kinh doanh dễ dàng hơn; vay vốn lãi suất thấp hơn, thanh khoản thị trường tốt hơn...
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc của các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm kiếm các cơ hội bứt phá đều phải xác định rõ khẩu vị rủi ro và phương thức quản trị rủi ro của mình.
Lãi suất giảm, năm nay nên đầu tư vào đâu?
Các chuyên gia cho rằng, họ chỉ đưa ra các phân tích, còn quyết định là ở các nhà đầu tư.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, cho hay, ông vẫn có niềm tin với chu kỳ mới của nền kinh tế, với hỗ trợ, chính sách từ Chính phủ, cùng với sự trải qua cơn “sốc” của thị trường thì thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt.
Trong khi đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, đưa ra những con số liên quan đến lợi suất các kênh đầu tư mà đơn vị vừa tổng kết. Theo đó, từ tháng 12/2019 đến ngày 25/3/2024, chứng khoán tăng khoảng 22%; vàng tăng khoảng 17%, trong khi đầu tư cả căn hộ mà đơn thuần nhìn vào lợi nhuận cho thuê thì chỉ 5%.
Với bất động sản, năm 2024, việc xuống tiền phân khúc nào là tốt nhất, bà Dung cho rằng phụ thuộc vào tổng số tiền đầu tư vì có rất nhiều sản phẩm, phân khúc. Đối với công ty chuyên đầu tư thì bất động sản thương mại, khu công nghiệp vẫn là khẩu vị của họ.
Còn với nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến sản phẩm nhà ở, trong các phân khúc thì phân khúc trung cấp và tiệm cận trung cao cấp đang được nhiều người quan tâm nhất. Lý do, giá bán ở mức vừa phải, vẫn còn dư địa tăng giá. Theo thống kế của CBRE, quý I/2024, mức tăng giá của các dự án trên thị trường thứ cấp từ 10-45%; trong đó thị trường căn hộ trung cấp, giá tăng trưởng cao nhất 35-40%.
Đối với thị trường chứng khoán, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, đánh giá, thị tường đang ở giai đoạn tốt dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm, ông đã dự báo năm nay VN-Index sẽ lên 1.500 điểm.
Lý do, theo ông Trung, VN-Index đang được định giá ở mức trung bình thấp. P/E dưới 15 lần, trong đó giai đoạn 2018-2022 P/E toàn trên 20 lần; lãi suất cũng thấp hơn cả trong giai đoạn dịch Covid-19 và sẽ còn thấp nữa, chắc chắn là yếu tố tích cực cho thị trường.
Trong khi thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đều vượt đỉnh, thị trường Việt Nam vẫn đang loay hoay ở mức thấp.
“Theo tôi, 2024 là năm tốt để VN-Index lên đến 1.500 điểm và đầu năm sau có thể tăng lên vùng cao mới khi sở hữu nhiều yếu tố thiên thời cho chứng khoán tăng trưởng”, ông Trung lạc quan.