Đến nay, huyện Kon Plông, tỉnh Kontum đã có một xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Pờ Ê), một xã đạt 17 tiêu chí (xã Măng Cành), hai xã đạt 15 tiêu chí (Đăk Tăng, Ngọc Tem), hai xã đạt 13 tiêu chí (xã Đăk Nên, xã Măng Bút) và hai xã đạt 12 tiêu chí (xã Đăk Ring, xã Hiếu).
Xã Pờ Ê- xã đầu tiên của huyện Kon Plông về đích sớm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 7 thôn, làng với gần 620 hộ, 2.300 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Cùng với đảm bảo thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Tổng thu ngân sách cả năm gần 5 tỷ đồng, đạt 100% dự toán giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 4%, vượt kế hoạch năm đề ra. Đến nay, 7/7 thôn, làng của Kon Plông được công nhận thôn, làng văn hóa; 100% hộ dân trên địa bàn có điện sinh hoạt… Những kết quả tích cực này càng khẳng định nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đường vào thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông |
Cũng có những lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã Măng Cành đã và đang có những thay đổi lớn sau khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, xã Măng Cành đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục luôn được quan tâm phát triển sâu rộng; đời sống đại bộ phận gia đình nông dân được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%/năm. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu cây trồng vật, nuôi tiếp tục được chuyển đổi mạnh mẽ, một số loại cây trồng mới được đưa vào trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: cây cà phê xứ lạnh, các loại cây dược liệu như: Cây đương quy, sâm dây, cà gai leo...
Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã được cải thiện, nâng lên một bước đáng kể. Công tác phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở, kiên cố hóa phòng học đạt 100%, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 27,1%. Các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc làm, an sinh xã hội, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin truyền thông đều đạt được những bước tiến quan trọng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng được nâng cấp, xây dựng mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất, sinh hoạt của dân cư.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Kon Plông cũng đã gặp không ít những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ biết tận dụng thế mạnh về du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà huyện Kon Plông đã dần tháo gỡ những khó khăn, thách thức trên. Đến cuối năm ngoái, huyện Kon Plông đã thành lập được một khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 170 ha; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận một vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả, cá nước lạnh với diện tích 3.271 ha; triển khai dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “Cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
V. Thường
Ảnh: Quốc Tiến