Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum mới đây đã tiến hành giám sát qua báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan; đồng thời làm việc trực tiếp với một số cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đã xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của từng địa phương trong tỉnh, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh;...
Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh bước đầu còn gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế trong nước. Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ Trung ương và các cấp, các ngành thông qua các chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15 công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách tiền tệ, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 được triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân và các thành phần kinh tế; đã cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau dịch, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra; nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh tăng cao so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số văn bản của cấp bộ hướng dẫn triển khai thực hiện chưa kịp thời. Việc bố trí nguồn vốn có nội dung chưa phù hợp, có chính sách cần nguồn lực lớn, nhưng chưa được bố trí phù hợp, chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu thực tế và khó đi vào cuộc sống; Nguồn vốn đầu tư từ Chương trình khá lớn, được Trung ương giao thực hiện trong năm 2023 nên khó đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch…
Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát thực tế và nội dung kiến nghị của UBND tỉnh, các ngành, địa phương của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật liên quan theo hướng mở rộng đối tượng hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách cho vay từ Ngân hành chính sách xã hội để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ;...
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV nói chung và các điều khoản liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 nói riêng; Công văn số 41/TTg-QHĐP ngày 10/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền các vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu đã đề ra; Tăng cường lồng ghép nguồn vốn của Nghị quyết 43/2022/QH15 với các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng chéo, dàn trải, hiệu quả thấp;…
Hồ Nam