Khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát

Trong Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực dân tộc tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Ảnh minh họa

Giai đoạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ được 9.523 hộ đất ở với diện tích 72ha; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283ha; 21.233 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong đó số hộ được hỗ trợ nghề nông nghiệp là 20.670, nghề phi nông nghiệp là 559, nghề khác là 4 hộ. Thông qua đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định về chỗ ở, có đất sản xuất, có nghề nghiệp để mưu sinh dần ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ các hộ dư cư, du canh tự phát từ 29.718 hộ du canh, du cư năm 2009 xuống 9.300 hộ du canh, du cư năm 2021.

Từ năm 2021, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được quy định tại dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách sắp xếp, bố trí ổn định dân cư được quy định tại dự án 2 của chương trình. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đã được nâng lên, cụ thể như: các hộ được hỗ trợ đất ở sẽ được ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 50 triệu đồng/hộ; các hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất được NSTW hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ và vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 77,5 triệu đồng/hộ.

Hướng giải quyết một số khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, dư canh tự phát, chặt phá rừng còn một số khó khăn, tồn tại như: mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhưng do nguồn lực được phân bổ rất hạn chế nên hầu hết các mục tiêu không hoàn thành. Nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; có nơi giá đất quá cao, mức hỗ trợ theo quy định hiện hành không thể thực hiện được.

Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành, nguồn vốn đã được phân bổ; nguồn vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với việc sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, do đó các địa phương khó khăn trong giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đời sống và sản xuất của một bộ phận người di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội do chưa được công nhận tư cách pháp nhân (chưa được đăng ký hộ khẩu).

Mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng, điển hình như vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do; hoặc do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích…

Về giải pháp hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, báo cáo cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải ngân nguồn vốn, thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Hồng Vũ