Kon Tum là mảnh đất giàu văn hóa truyền thống với lợi thế về điều kiện tự nhiên và có khoảng 54% dân số là đồng bào DTTS. Chính điều đó đã tạo ra "kho tàng" phong phú, đa sắc, đa diện về văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể, lưu giữ khoảng 2.500 bộ cồng chiêng, trên 430 nhà rông, hơn 530 đội nghệ nhân cồng chiêng - xoang, lưu giữ 36 lễ hội truyền thống...
Nhằm bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, các hội thi, trình diễn nghệ thuật để tạo môi trường, không gian lý tưởng cho các loại hình nghệ thuật truyền thống có cơ hội được tập luyện, giao lưu, trình diễn. Các hoạt động được tổ chức thường xuyên, đồng bộ ở các cấp, không ngừng tăng về quy mô, đổi mới về nội dung; qua đó, phát huy hiệu quả tích cực, "chắp cánh" cho tình yêu với văn hóa truyền thống của người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Đây còn là cơ hội để bà con DTTS quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Tỉnh hiện duy trì và tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động văn hóa, hội thi như: " Ngày hội Văn hóa- Thể thao các dân tộc thiểu số"; "Tuần Văn hóa- Du lịch"; "Diễn xướng dân gian các dân tộc thiểu số"; các cuộc liên hoan cồng chiêng hàng năm. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học; tăng cường khai thác, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học tại các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ.
Duy Linh, Ngọc Dũng, Tuấn Kiệt, Văn Lợi, Hà Sơn