Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.487 km2,trong đó diện tích địa bàn miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Năm 2021, dân số của tỉnh là 3.327.791 người, đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh với 47 dân tộc, trong đó dân số có dân số đông là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người). Đồng bào DTTS ở Nghệ An sinh sống khá tập trung ở 252 xã, 1.339 thôn, bản thuộc 10 huyện miền núi phía Tây (trong đó có 106 xã thuộc khu vực III, 100 xã khu vực II và 46 xã khu vực I; 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn)

Bởi vậy, công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện miền núi phía Tây Nghệ An.

Thời gian qua, bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo là ngoài việc khơi dậy sức mạnh nội lực như huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo.

Hằng năm, thông qua chương trình “Quỹ hỗ trợ vì người nghèo” đã có hàng trăm doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền các cấp, đóng góp hàng trăm tỷ đồng  chuyển đến người nghèo một cách thiết thực nhất. Do đó, việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Nghệ An bước đầu đạt được những kết quả:

Các chính sách được tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS gắn với ổn định đời sống chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế - xã hội các huyện miền núi phía Tây Nghệ An đã có bước phát triển. Quy mô, tiềm lực kinh tế ngày càng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực(3).

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn phía Tây Nghệ An là đã hình thành được một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến như: vùng trồng mía nguyên liệu ở Tân Kỳ, Anh Sơn…; vùng chăn nuôi bò sữa ở Nghĩa Đàn. Nhiều vùng đã chú trọng khai thác hợp lý tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, khoáng sản, đất đai để nâng cao hiệu quả kinh tế; thương mại, dịch vụ được mở rộng. Mô hình trồng cây ăn quả ở các vùng biên, vùng sâu vùng xa cho hiệu quả cao như: chanh leo ở huyện Quế Phong; cam, quýt ở huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; mô hình trồng cây dược liệu để chế biến thực phẩm chức năng ở huyện Con Cuông… từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thu hút đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi từ nhiều nguồn vốn và các nguồn tài trợ hợp pháp trong và ngoài nước. Phát triển chợ đầu mối, nâng cấp, cải tạo các chợ biên giới, chợ trong vùng kinh tế cửa khẩu; mở rộng giao lưu, trao đổi, quảng bá hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh; quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

Các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS  vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện tốt. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; chính sách hỗ trợ ổn định lương thực và các mặt hàng thiết yếu cho người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng biên giới để đồng bào yên tâm định cư, giữ vững thế trận an ninh biên giới.

Đặc biệt, qua 10 năm (2012-2022) thực hiện chủ trương “mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ một xã nghèo” do UBND tỉnh Nghệ An phát động, đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, xã nghèo của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị,  doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ các xã nghèo miền Tây với số tiền 310 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi phía Tây giảm từ 24,04% đầu năm 2016 xuống còn gần 8,18% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), trong đó, các huyện nghèo 30a giảm bình quân 5,97%/năm(4).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Nghệ An hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập:

Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,74%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09%, cao hơn mức bình quân cả nước. Đến tháng 6 - 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn 21,20%, hộ cận nghèo 11,66%. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, nội lực của toàn dân. Mặc dù có nhiều chính sách đầu tư trọng điểm cho vùng DTTS và miền núi với nguồn vốn lớn từ Trung ương và địa phương cùng nhiều chương trình hỗ trợ, lồng ghép nhưng vẫn thiếu mô hình sinh kế mang tính đột phá dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này giảm chậm, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Đây là một thách thức lớn của tỉnh Nghệ An.

Mô hình giảm nghèo quy mô còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn thấp, việc lồng ghép các nguồn lực còn khó khăn, thiếu bền vững. Một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo, có tình trạng tách hộ là người già, người khuyết tật... thành hộ riêng để được thụ hưởng chính sách ưu đãi.

Nguyên nhân xuất phát từ thực tế phần lớn hộ nghèo lại đông con, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu việc làm, trong gia đình thường có người mắc tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, nghiện rượu, cờ bạc, mại dâm và một số ít còn lười lao động.

Tình trạng du canh du cư, di cư tự do trái phép của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và công tác di dời dân tái định cư của một số dự án đầu tư thủy điện chưa bảo đảm làm hạn chế kết quả thực hiện chính sách của Nhà nước và mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.

Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa dành sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên đối với công tác giảm nghèo. Việc lập hồ sơ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn, xã biên giới vẫn còn một số vướng mắc, chậm trễ. Việc chậm ban hành hướng dẫn một số chính sách dẫn tới gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Có chính sách được nhiều cơ quan đề xuất, ban hành nhưng nhiều đầu mối quản lý, thiếu sự phối hợp trong quá trình thực hiện. Một số chính sách không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Những hạn chế, vướng mắc trên cần được nhìn nhận kịp thời và cần có các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Vũ Lụa, Hữu Khôi, Bạt Tuấn