Dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đang muốn sắp xếp lại hệ thống quy hoạch cả nước. Bởi đến thời kỳ 2011-2020, số lượng quy hoạch phải lập lên tới hơn 19.200 bản quy hoạch các loại, tăng gấp 6 lần giai đoạn trước. Hơn 8.000 tỷ đồng đã chi ra để lập các quy hoạch này.
Vụ kiện 4 tỷ USD vì quy hoạch
Chủ tịch UBND một tỉnh than rằng tỉnh nhỏ mà có 200 bản quy hoạch, mỗi ngày kí không biết bao nhiêu dự án. Lúc nào kí ông chủ tịch cũng nơm nớp lo sợ, liệu có vi phạm bản quy hoạch nào không trong số 200 bản quy hoạch ấy vì làm sao mà nhớ nổi
Đó là câu chuyện được ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể lại khi nói đến tình trạng quy hoạch kiểu “trăm hoa đua nở”.
Công tác quy hoạch sẽ có bước thay đổi mạnh. Ảnh: L.Bằng |
Một trường hợp khác được vị Thứ trưởng này dẫn ra là vụ kiện của nhà đầu tư Michael McKenzie (Mỹ) liên quan đến dự án xây khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại Bình Thuận. Dự án được cấp phép năm 2004, theo kế hoạch, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ giao đất cho công ty của ông Michael McKenzie.
Sẽ không có gì đáng nói nếu một phần của khu vực đất dự án lại nằm trong phần quy hoạch khai thác khoáng sản mà tỉnh Bình Thuận đã giao cho chủ đầu tư khác. Không triển khai được dự án, ông McKenzie đã kiện Chính phủ Việt Nam và đòi bồi thường 3,7 tỷ USD.
“Họ đòi chúng ta 3,7 tỷ USD, trong khi họ mới bỏ ra 200 nghìn USD trên đất nước ta sau khi cấp giấy phép. Họ bảo, đào khoáng sản như thế thế là hỏng mất khu du lịch của họ, làm mất lợi nhuận tiềm năng của họ là 4 tỷ USD nên bắt Việt Nam phải đền bù số tiền đó”, ông Đông kể.
Dù Việt Nam đã thắng kiện song ông Đặng Huy Đông cho rằng đó là bài học xương máu cho những quy hoạch chồng lấn.
Kể những câu chuyện ấy, vị Thứ trưởng muốn chứng minh “tác hại” của việc lập quy hoạch quá nhiều, chất lượng thấp, rời rạc, thiếu gắn kết, chồng chéo lâu nay.
Để hạn chế điều này, dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đang muốn sắp xếp lại hệ thống quy hoạch.
Đây cũng chính là nguồn cơn khiến dự thảo Luật quy hoạch xây dựng 5 năm qua vẫn chưa được thông qua. Những ý kiến phản đối liên quan đến việc Bộ KH-ĐT muốn bỏ các loại quy hoạch sản phẩm cụ thể (cá tra, tôm, karaoke…) cho đến việc bỏ quy hoạch xây dựng.
Đến nay vẫn còn ý kiến chưa đồng ý, kể cả khi dự thảo luật đã được trình sang Quốc hội. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phải phê bình một số Bộ ra Quốc hội vẫn còn “ý kiến khác” nghị quyết của Chính phủ.
Quy hoạch treo tràn lan. Ảnh: L.Bằng |
Ông Đặng Huy Đông cho biết: Trước kia tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn 3-4 bộ có ý kiến khác là Công Thương, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng. Đến giờ này còn duy nhất Bộ Xây dựng tiếp tục phát biểu quan điểm khác.
Lý do khiến Bộ Xây dựng phản ứng với dự thảo Luật Quy hoạch vì cho rằng dự thảo đã bỏ đi quy hoạch xây dựng. Bộ này cho rằng dự thảo không quy định về quy hoạch xây dựng là thiếu sót lớn.
PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kiến trúc – Bộ Xây Dựng cho rằng: Có thể khẳng định trên thế giới từ xưa đến nay không có quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng ra đời ở nước ta từ những năm 90 là hệ quả của thể chế quy hoạch quá độ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên quy hoạch này đến nay không còn phù hợp nữa.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Quốc tế không có cụm từ “quy hoạch xây dựng”. Điều đáng ngạc nhiên là sau khi đã có nhiều ý kiến chuyên gia mà Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục duy trì tên gọi độc đáo “quy hoạch xây dựng” và yêu cầu đưa vào Luật Quy hoạch.
“Bộ Xây dựng đề cập đến kết quả quy hoạch xây dựng do Luật Xây dựng đem lại. Thế nhưng đấy chỉ là số lượng quy hoạch đã lập chứ chưa phải là hiệu lực, hiệu quả của các quy hoạch đó. Trong khi đó từ Đại biểu Quốc hội đến báo chí và người dân đều lên tiếng về “quy hoạch treo”, về “băm nát quy hoạch đô thị”, về nhà siêu mỏng, siêu méo, về tắc nghẽn giao thông đô thị…”, TS Phạm Sỹ Liêm dẫn chứng về việc quy hoạch xây dựng không mang lại kết quả rõ ràng.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định: Đòi hỏi mới của hội nhập của kinh tế thị trường không cho phép chúng ta làm theo phong cách cũ nữa. Chúng ta hội nhập rồi không thể một mình một chợ, thích làm gì thì làm. Chúng tôi đi theo tập quán tốt nhất. Trên thế giới ở các quốc gia đi theo lối kinh tế thị trường không có khái niệm quy hoạch xây dựng.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường nhận định dự thảo Luật Quy hoạch vấp phải sự phản ứng của “bộ này bộ kia” vì “sợ luật này ra mình mất việc”.
GS Võ khẳng định Luật Quy hoạch không giành việc của bộ nào cả, chỉ khác là trước đây bộ tự làm tự trình cơ quan cấp trên quyết định thì giờ phải cùng thảo luận, thích hợp mới cùng trình lên, chứ không trình lẻ tẻ.
Nếu như thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011-2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại, tăng gấp 6 lần. Hơn 8.000 tỷ đồng đã chi ra để lập các quy hoạch này. Hệ thống quy hoạch hiện nay gồm Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch xây dựng; quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Nay, Dự thảo Luật Quy hoạch đã sắp xếp lại hệ thống quy hoạch, chia làm 5 loại quy hoạch, bao gồm Quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia); quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. |
Lương Bằng