Những con số này nói lên rằng hàng nghìn tỷ chi cho quy hoạch từ ngân sách nhưng hiệu quả chẳng góp được là mấy cho điều hành nền kinh tế thị trường. Những con số đó luôn tạo ra cảm giác "ghê răng".

Một trong vài dự án luật gây tranh cãi khá nhiều là dự án Luật Quy hoạch (thống nhất), mặc dù không thuộc phạm vi nhậy cảm về nhận thức. Câu chuyện khó khăn chủ yếu vẫn là do tư duy bao cấp gần như còn nguyên vẹn trong quản lý. Bộ, ngành nào cũng muốn nắm giữ khâu quy hoạch để bảo vệ quyền lực quản lý, và đó là cơ sở để có nhiều dự án đầu tư công từ ngân sách nhà nước. Khâu "chạy dự án" sẽ đơn giản hơn.

Tất nhiên, tình trạng thực tế là "quy hoạch chồng quy hoạch", "quy hoạch chống quy hoạch", và rất tốn kém từ ngân sách do người dân nghèo nhất đều phải đóng góp, ít nhất từ thuế giá trị gia tăng. Chuyển sang cơ chế thị trường, việc đầu tiên phải thay đổi là công tác quy hoạch, kế hoạch hóa. Luật Quy hoạch (thống nhất) là việc đầu tiên phải là để thay đổi tư duy quản lý. Cũng như một tất nhiên, nội dung của Luật này có thay đổi được tư duy quản lý hay không lại cũng là một yêu cầu nghiêm khắc cần đặt ra.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ.

{keywords}
Phối cảnh một khu chung cư đang được lên kế hoạch xây dựng.

Tư duy bao cấp còn ngổn ngang 

Có nhiều điểm khác biệt giữa tư duy quản lý trong nền kinh tế bao cấp và nền kinh tế thị trường, trong đó điểm khác biệt quan trọng nhất là sử dụng công cụ quy hoạch, kế hoạch trong quản lý kinh tế - xã hội. Kinh tế bao cấp là nền kinh tế Nhà nước chỉ huy tập trung bằng công cụ quy hoạch, kế hoạch hóa. Trong khi đó, kinh tế thị trường lại đưa ra phương thức quản lý kinh tế - xã hội bằng các chính sách để điều tiết lợi ích từ các mối quan hệ thị trường. Điều đó có nghĩa là vai trò của công cụ quy hoạch, kế hoạch hóa đã thay đổi, từ một công cụ có một quyền năng tuyệt đối đã trở thành một công cụ mang tính định hướng cho một số mặt nhất định mà thị trường khó tác động hoặc có tác động thì cũng không bảo đảm hiệu suất cao.

Sự thực, chúng ta cũng đừng kỳ thị mô hình kinh tế do Nhà nước chỉ huy tập trung. Vào những năm 1960, Viện sỹ kinh tế học Oscar Lange người Ba Lan đã chứng minh bằng lý thuyết điều khiển học trong kinh tế rằng mô hình kinh tế chỉ huy tập trung là mô hình kinh tế có điều khiển (do Nhà nước điều khiển), còn mô hình kinh tế thị trường là mô hình kinh tế tự điều chỉnh.

Tất nhiên, về lý thuyết, nền kinh tế có điều khiển phải tốt hơn nền kinh tế tự điều chính, vì không bao giờ rơi vào khủng hoảng.Nhưng thực tế lại luôn gặp một vấn đề rất lớn là sự điều khiển nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng người điều khiển, cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Tức là không mấy khi có được những người điều khiển thực sự xuất sắc.

Đây chính là lý do thực tiễn mà đất nước ta đã phải thay thế nền kinh tế bao cấp bằng nền kinh tế thị trường vào năm 1991, sau 5 năm thực hiện ĐỔI MỚI. Chủ trương đổi mới mô hình kinh tế đã rất rõ ràng, nhưng bi kịch lại xẩy ra ở chỗ mô hình kinh tế đã thay đổi nhưng tư duy bao cấp vẫn chế ngự thông qua hệ thống quy hoạch, kế hoạch rất cồng kềnh và vô lý.   

Những con số tạo cảm giác "ghê răng"

Những con số liệt kê dưới đây không phải điều gì mới, đã được rút ra trong quá trình rà soát lại công tác quy hoạch hiện hành ở nước ta, cụ thể như sau:

Ø  Hệ thống quy hoạch dầy đặc ở nước ta được quy định trong 58 Luật/Pháp lệnh, 55 Nghị định, trong đó có 1 quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, 11 quy hoạch đất đai và tài nguyên thiên nhiên, 23 quy hoạch các lĩnh vực xã hội và môi trường, 63 quy hoạch các ngành và 15 quy hoạch xây dựng, đô thị, khu dân cư nông thôn.

Ø  Theo các quy định của pháp luật, cả nước có tổng số 19.331 quy hoạch, trong đó có 261 quy hoạch cấp quốc gia, 84 quy hoạch cấp vùng, 3.440 quy hoạch cấp tỉnh, 2.324 quy hoạch cấp huyện và 13.222 quy hoạch cấp xã.

Ø  Trình tự, thủ tục của chuỗi quy trình từ lập, thẩm định, phê duyêt, điều chỉnh, thực hiện, đánh giá lại rất khác nhau, kể cả thẩm quyền. Ví dụ như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước do Thủ tướng Chính phủ duyệt, nhưng quy hoạch sử dụng đất chỉ là một bộ phận lại do Quốc hội quyết định. Hay như quy hoạch sử dụng đất không có nội dung quy hoạch cho từng loại nông sản, nhưng Bộ NN và PTNN là phê duyệt quy hoạch chocác loại nông sản chính, v.v.

Ø  Để xây dựng các dự án quy hoạch nêu trên, trong kỳ quy hoạch 2001-2010 đã phải chi 1.759 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó 537 tỷ đồng cho quy hoạch cấp trung ương và 1.222 tỷ đồng cho quy hoạch ở địa phương. Dự chi cho kỳ quy hoạch tiếp theo 2011-2020 còn cao hơn với 4.003 tỷ đồng, trong đó 641 tỷ đồng ở trung ương và 3.362 tỷ đồng ở địa phương.

Những con số này nói lên rằng hàng nghìn tỷ chi cho quy hoạch từ ngân sách nhưng hiệu quả chẳng góp được là mấy cho điều hành nền kinh tế thị trường. Gần như mọi nhà quản lý đều đang muốn nỗ lực điều khiển một nền kinh tế tự điều chỉnh, có khi chỉ là sự hồn nhiên của tư duy và cũng nhiều khi là cố tình để tìm kiếm lợi ích trong một bộ máy quản lý nhiều lúc còn khập khiễng. Tất cả những ai có trách nhiệm thực với đất nước, với nhân dân đều cho rằng những con số đó luôn tạo ra cảm giác "ghê răng".

(Còn nữa)

Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ