Phóng sự của hai nhà báo Luc Forsyth và Gareth Bright trên tờ The Diplomat về đời sống sông nước ở Cần Thơ cho thấy tại thành phố lớn nhất châu thổ sông Mekong, việc khai thác cạn kiệt cá đã thay đổi vĩnh viễn đời sống của toàn bộ cộng đồng.
Tin bài khác
Các bé trai thả diều ở thành phố Cần Thơ. Châu thổ sông Mekong ở miền nam Việt Nam là một trong những khu vực phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á, và hệ thống kênh rạch tưới tiêu dày cho phép vùng này trở thành vựa xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Ảnh: Luc Forsyth. |
“Anh đóng vai người hùng là phải rồi” – Gareth nói khi anh nhìn tôi tìm cách thuyết phục đám trẻ con nhận chiếc kem ốc quế bảy sắc cầu vồng. Trời chiều làm chúng tôi bải hoải người khi còn mấy tiếng nữa là hết ngày, và cây kem như thể một ý tưởng diệu kỳ cho tới khi chúng tôi nhận ra rằng nó có vị sầu riêng.
Gareth ớn món trái cây này tới tận xương tủy sau khi bị một gã say nôn thốc vào vạt áo của anh trên mọt chuyến tàu ở Thái Lan vài năm trước. Anh tiu ngỉu ngay khi nhận ra vị này và đưa cho tôi cây kem với điệu bộ rầu rĩ như đứa trẻ buộc phải trả lại món đồ chơi ưa thích.
Cư dân Làng Chài thả diều vào buổi chiều ở thành phố Cần Thơ. Ảnh: Gareth Bright |
Chúng tôi tới Cần Thơ, thành phố lớn thứ tư ở Việt Nam và thực tế được coi là thủ phủ của đồng bằng Mekong. Chúng tôi neo lại ở Cần Thơ gần một tuần, sáng và chiều chạy xe vào vùng ven, nhưng có rất ít thời gian khám phá thành phố. Với dân số gần 1,5 triệu người rải khắp sông Hậu, Cần Thơ thực sư là nơi để tìm hiểu các câu chuyện về dòng sông trong bối cảnh đô thị.
Hành khách lên bờ từ tàu chở khách tại Cần Thơ – trung tâm kinh tế và thương mại của châu thổ sông Mekong. Ảnh: Luc Forsyth. |
Nơi hiển nhiên nhất để bắt đầu chính là chợ nổi Cái Răng, một nơi bất di bất dịch của thành phố và cũng là điểm chính lôi cuốn khách du lịch. Chúng tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ để đưa chúng tôi đi xuyên qua mê cung dập dềnh của những thương lái bán buôn rau quả, hy vọng để mắt thấy tai nghe những chuyện về vai trò của con sông này trong đời sống thường nhật, nhưng sau một giờ trôi nổi trên sông, chúng tôi hết sức bực mình. Trái ngược với sự cởi mở thân thiện của hầu hết mọi người mà chúng tôi gặp trong hành trình, những người bán hàng tại Cái Răng dường như e ngại trước ống kính của người nước ngoài – và điều này cũng có lý do của nó.
Dường như khách du lịch đổ về chợ nổi ngày một đông hơn cả khách mua hàng thực sự, và khắp nơi, những cây gậy ‘tự sướng’ có thể nới dài ra thọc thẳng chiếc máy ảnh GoPro vào mặt các thương lái. Từ các tàu nhỏ cho một khách không lớn hơn một chiếc ca-nô cho tới các xà lan 10 mét chật kín người hăm hở chụp ảnh, các du khách chẳng khác gì các con kền kền kỹ thuật số đang rình một con mồi lạ lùng. Do hầu hết những người này không hề thích thú gì việc mua các món hàng được mời chào, một bộ mặt ác cảm khoác ngay lên mặt của phần lớn những người bán hàng: Thôi thì chụp ảnh cho mau đi rồi lấy chỗ cho người mua hàng thật sự.
Các khung cảnh buổi sớm trên sông Mekong tại chợ nổi ở Cần Thơ. Ảnh: Gareth Bright. |
Do toàn bộ mục đích chuyến đi của chúng tôi là ghi lại hình ảnh đời sống người dân ở dọc bờ sông Mekong, nên chúng tôi chẳng có lý gì để chỉ trích bất kỳ ai về đam mê nhiếp ảnh của họ. Nhưng về khía cạnh địa điểm để kể câu chuyện thật sự về mối tương tác giữa con người và sông nước thì Cái Răng đúng là một thảm họa. Chúng tôi rút ngắn hành trình, người lái tàu đáp vào nhánh đối diện với con sông và một cộng đồng gọi là Làng Chài.
Gareth hăm hở chỉ vào một chiếc xe bò gần với cầu tàu và nói: “Vào lúc này mà có mấy cây kem là thú vị lắm đấy”.
Các công nhân làm sạch các phần trong một động cơ trên sông ở Cần Thơ. Ảnh: Luc Forsyth. |
Làng chài không có cá
“Khi lưới điện về tới, toàn bộ cả làng đều đi xuống” – một người đàn ông 70 tuổi nói cho chúng tôi. Nơi này được gọi là Làng Chài là bởi nó nằm ngay cạnh một ngư trường hàng đầu, nhưng các lưới đánh cá điện được đưa vào sử dụng những năm 1990 đã tàn phá trữ lượng cá của họ tới mức nguy kịch. Dù chính quyền từ lâu đã coi các loại lưới này là bất hợp pháp, nhưng ông lão đánh cá kể lại rằng, hơn 20 năm sau đó, trữ lượng cá vẫn không thể khôi phục lại được.
Một gia đình ở phía trước một tiệm salon làm tóc ở khu vực lân cận Làng Chài, Cần Thơ. Ảnh: Gareth Bright. |
“Xưa chúng tôi chỉ cần dùng tay không cũng vớt được cá, nhưng giờ thì cá được nuôi trong trong các khu thủy sản. Dù cá biển có giá trị và ngon hơn, nhưng chúng không thể đủ để cung cấp” – ông lão nói tiếp.
Sau đó chúng tôi gặp Phương, một người đàn ông 52 tuổi từng làm doanh nghiệp nhưng rồi bỏ nghề để có một cuộc sống dung dị hơn khi làm thủy sản, và ông nhắc lại một điều tương tự: giờ chẳng còn cá mà đánh bắt. Trái lại, bên dưới các tấm ván sàn ẩm ướt của khu kết cấu gỗ nổi trên bãi quây cá là khoảng 20.000 con cá bạc má. Để giữ đàn cá đông như vậy khỏe mạnh, Phương đã phải tốn nhiều chi phí. Khi mà viễn cảnh đánh bắt cá trên sông không còn nữa thì đây chỉ là một khoản phí tổn cho Phương để có một nguồn thu nhập ổn định.
Ông Phương từng là thương gia trước khi rời bỏ công ty để bắt đầu nuôi thủy san ở gần thành phố Cần Thơ. Ảnh: Luc Forsyth. |
Khi không còn cá, Làng Chài trở thành một nơi na ná như là một cộng đồng hưu trí chứ không phải là thiên đường cho những ngư dân cần cù. Trong nỗ lực để đặt lại thương hiệu cho làng chài như là một lựa chọn êm ả hơn so với quận du lịch chính ở Cần Thơ, những cư dân của làng chài sở hữu căn nhà ở mặt sông đã gây dựng lại các vườn hoa xưa kia vốn là chỗ đứng của người bán cá. Và mọi người thả diều.
Cư dân của Làng Chài thả diều trong buổi chiều ở Cần Thơ. Ảnh: Gareth Bright. |
Thả diều là một trò tiêu khiển phổ biến ở khắp Đông Nam Á, và đặc biệt thông dụng ở Việt Nam. Tại Làng Chài, diều được thả khắp nơi. Trẻ con và ông bà của chúng đứng thành hàng trước mặt sông vào các buổi chiều, nheo mắt lại trong nắng khi giật mạnh dây, tìm cách đưa diều lên cao.
Cư dân của Làng Chài thả diều trong buổi chiều ở Cần Thơ. Ảnh: Luc Forsyth |
Rốt cục thì Cần Thơ là một thành phố kết nối rất nhiều tới sông nước, nhưng khi mà hơn một triệu người dân sống nhờ nguồn lực từ nước mà không có sự giám sát hay lên kế hoạch, dòng sông sẽ chẳng thể có kết cục tốt đẹp. Tại Làng Chài, chúng tôi thấy rằng trước khi cạn kiệt thì sông nước chỉ có thể mang lại rất nhiều, khiến cho những người từng sống phụ thuộc vào nó giờ đây chẳng còn gì nhiều để làm trừ việc thả diều.
Lê Thu (dịch)