Trong phiên giao dịch cuối năm 2020, giá Bitcoin trên sàn Coindesk có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 29.000 USD/đồng rồi quay đầu giảm nhẹ. Hiện, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới được giao dịch quanh mức 28.900 USD, tăng 3,61% so với một ngày trước đó.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá Bitcoin đã tăng 304,19 %, nâng tổng vốn hóa thị trường lên 535,68 tỷ USD.

Trong khi đó, sau một năm đầy biến động, giá vàng có thể đạt mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng một thập kỷ. Trên sàn Kitco, kim loại quý hiện được giao dịch quanh mức giá 1.888 USD/ounce, tăng hơn 25% so với hồi đầu năm.

Ngược chiều giá vàng và Bitcoin, đồng USD liên tục giảm sức mạnh. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot có khả năng ghi nhận quý thứ ba giảm liên tiếp.

{keywords}
Đồng USD sụt giá giúp giá vàng và Bitcoin hưởng lợi. Ảnh: Reuters.

"Giá Bitcoin có thể vượt ngưỡng 30.000 USD"

"Chìa khóa cho đà tăng giá của Bitcoin đã được duy trì trong vòng vài tuần", ông Matt Long, Trưởng bộ phận Phân phối và Sản phẩm chính của hãng môi giới tiền mã hóa OSL (có trụ sở tại Hong Kong), bình luận.

Đợt tăng giá mới của Bitcoin tiếp tục gây tranh cãi. Nhiều nhà đầu tư coi tiền mã hóa là một hàng rào chống lại nguy cơ đồng USD suy yếu và rủi ro lạm phát. Trong khi đó, một số khác đặt nghi vấn về yếu tố đầu cơ cao và chu kỳ bùng nổ giá của Bitcoin.

"Đà tăng giá của Bitcoin vẫn điên cuồng khi đồng USD giảm giá kỷ lục. Các nhà đầu tư tiền mã hóa đang cực kỳ lạc quan. Điều này hoàn toàn có thể đẩy giá Bitcoin lên ngưỡng 30.000 USD trước khi năm 2020 kết thúc", ông Edward Moya, chuyên gia tài chính cao cấp tại hãng nghiên cứu Oanda (Mỹ), khẳng định.

Giá Bitcoin lần đầu vượt ngưỡng 20.000 USD chỉ hai tuần trước. Giờ, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới đang áp sát cột mốc 30.000 USD. Theo ông Moya, trước đây, giá Bitcoin thường chịu áp lực bởi các quy định pháp lý. Tuy nhiên, đà tăng giá của đồng tiền này hiện vẫn điên cuồng sau bê bối của XRP.

{keywords}
Giá Bitcoin hiện ở mức 28.900 USD sau khi vượt qua ngưỡng 29.000 USD.

Hôm 29/12, sàn giao dịch Coinbase quyết định tạm ngừng giao dịch Ripple (XRP) trên nền tảng, sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cáo buộc Ripple bán 1,3 tỷ USD chứng khoán chưa đăng ký cho các nhà đầu tư toàn cầu.

"Rủi ro pháp lý là trở ngại lớn nhất đối với đà tăng của giá Bitcoin. Tuy nhiên, đối với một số nhà đầu tư tổ chức, cú sụt giá của XRP là lời nhắc nhở rằng Bitcoin vẫn là lựa chọn tiền mã hóa tốt nhất", ông Moya giải thích.

Giá vàng trên đà đạt mức tăng hàng năm kỷ lục

Giá vàng cũng được hưởng lợi khi đồng bạc xanh sa sút. Hồi tháng 8, giá kim loại quý đạt mức cao kỷ lục do các nhà đầu tư đổ xổ vào các tài sản "trú ẩn" an toàn trong bối cảnh đại dịch.

Đà tăng tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ bởi làn sóng kích thích kinh tế chưa từng có từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài làm dấy lên lo ngại về rủi ro đồng tiền mất giá.

Vàng giữ được giá trị khi sức mua của đồng tiền giảm. Nói cách khác, giá trị của tiền giảm, giá vàng sẽ tăng. Ngoài ra, với lãi suất duy trì thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm đi, khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào.

Bất chấp những thông tin tích cực về vaccine chống Covid-19 và tín hiệu phục hồi kinh tế, tỷ lệ sở hữu trong quỹ ETF vàng vẫn đạt mức kỷ lục hồi tháng 10. Theo Morgan Stanley, trong năm 2021, giá vàng và các kim loại quý khác có thể chịu áp lực từ sự phục hồi của nền kinh tế và đường cong lãi suất gia tăng.

{keywords}
Biến động giá vàng năm 2020. Ảnh: Goldprice.org.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác có cái nhìn tích cực hơn. Theo HSBC Securities (Mỹ), các gói chi tiêu mạnh tay dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng.

"Ngoài các gói kích thích kinh tế bổ sung, việc FED duy trì những chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay và nợ liên bang Mỹ sẽ tạo áp lực lên đồng USD vào năm 2021", ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng tài chính Oanda, giải thích với Zing. "Tôi tin rằng giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới vào quý I/2021", ông dự đoán.

Theo ông Jeffrey, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn ở gần ngưỡng cao nhất trong vòng hai tháng và có khả năng thiết lập mức cao hơn sau khi điều chỉnh. Nếu đồng USD tiếp tục suy yếu và kế hoạch kích thích kinh tế mới không có gì thay đổi, giá kim loại quý có thể đạt 1.900 USD/ounce.

"Sau khi xuyên thủng ngưỡng 1.900 USD/ounce, giá vàng sẽ dễ dàng chạm ngưỡng 1.975 USD/ounce trong một vài tuần tới", vị chuyên gia dự báo.

(Theo Zing)