Trong gần một thập kỷ, Alibaba và Tencent là hiện thân của phép màu kinh tế Trung Quốc, duy trì nhịp độ tăng trưởng chóng mặt và được định giá hàng trăm tỷ USD nhờ những bước đột phá vào mọi ngóc ngách của Internet. Dù vậy, cuộc chạy đua ngoạn mục đó có thể chính thức kết thúc vào ngày 4/8, khi Alibaba của Jack Ma báo cáo kết quả kinh doanh quý II và Tencent của Pony Ma công bố vài ngày sau đó.
Linh vật của sàn thương mại điện tử Taobao tại thủ phủ Alibaba ở Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg) |
Cả hai “ông lớn” đều được dự báo sụt giảm doanh thu lần đầu tiên sau nhiều năm. Nó là lời cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư về việc Alibaba và Tencent chỉ còn là cái bóng của chính mình, sau một thời gian chính phủ Trung Quốc tăng cường trấn áp ngành công nghệ. Giống như phần còn lại của ngành, họ không chỉ đối mặt với “gọng kìm” của nhà quản lý mà còn cả tình hình Covid-19 và khủng hoảng tiêu dùng đang thử thách sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhà phân tích Marvin Chen của Bloomberg nhận định, “không ngạc nhiên nếu quý II là một trong các quý tồi tệ nhất từ đầu dịch đối với kết quả kinh doanh Trung Quốc xét tới các lệnh phong tỏa, công nghệ không phải ngoại lệ”. Chưa kể, công nghệ còn đối phó với các cơn “gió chướng” quy định, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng và xu hướng dài hạn.
Tốc độ và mức độ dữ dội khi Bắc Kinh kìm hãm các lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe, giao đồ ăn và game đã thiết lập lại kỳ vọng của ngành công nghệ năm 2021. Tuy nhiên, Alibaba bị thiệt hại nặng hơn hẳn nhiều đồng nghiệp.
Ngôi sao livestream Vy Á, người từng bán được 1,2 tỷ USD hàng hóa trên sàn của Alibaba, bị điều tra trốn thuế. Bắc Kinh cũng tạm dừng quan hệ với bộ phận đám mây Alibaba do chậm tiết lộ lỗ hổng lớn. Tháng 6, “ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ là nhân vật nổi tiếng thứ hai biến mất khỏi sàn Taobao của Alibaba vì một hình ảnh nhạy cảm trong buổi livestream. Chỉ mới tháng trước, chuyên gia an ninh mạng liên kết Alicloud với vụ rò rỉ dữ liệu 1 tỷ công dân.
Tất cả xảy ra vào thời điểm Covid-19 gây áp lực đến mọi khoản chi tiêu, từ nội dung trên mạng đến quần áo, đồ điện tử. Từng là một ứng cử viên gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ” cùng Apple, Amazon, các hãng Internet Trung Quốc nay vật lộn với khó khăn. Các nhà phân tích hạ dự báo giá mục tiêu với cổ phiếu Alibaba và Tencent. Nhà đầu tư mua cổ phiếu Alibaba và Tencent với hi vọng vị thế của họ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và game sẽ giúp ích cho các mảng kinh doanh mới, song điều đó không còn nữa từ khi Bắc Kinh siết chặt quy định.
Doanh thu quý II của Alibaba dự kiến giảm 1,2% xuống còn 203,4 tỷ NDT (30,1 tỷ USD). Tencent cũng không khá hơn. Dù nhà chức trách khôi phục cấp phép game mới sau nhiều tháng “đóng băng”, Tencent vẫn vắng bóng trong danh sách. Đó là lý do các nhà phân tích dự báo doanh thu Tencent sẽ giảm 1,7% trong cùng kỳ.
Tâm lý thị trường đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc dao động dữ dội những tuần gần đây, phản ánh trạng thái giằng co quyết liệt giữa tín hiệu xấu và kỳ vọng. Cổ phiếu Alibaba tăng 6,5% trong phiên giao dịch ngày 26/7 sau khi thông báo xin niêm yết tại Hong Kong, song chỉ vài ngày sau lại mất hết điểm, trước thông tin nhà sáng lập Jack Ma từ bỏ quyền kiểm soát Ant Financial. Vấn đề càng tồi tệ hơn khi Alibaba nằm trong số các doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Phần còn lại của “vũ trụ” công nghệ Trung Quốc cũng không lạc quan hơn. Baidu dự báo doanh thu giảm 5,6% trong quý II, còn JD.com, Meituan và Kuaishou được dự đoán tăng trưởng chậm nhất trong vài năm trở lại đây.
Du Lam (Theo Bloomberg)
Mỹ cân nhắc cấm vận các nhà sản xuất chip nhớ tại Trung Quốc
Theo nguồn tin của Reuters, Mỹ đang cân nhắc hạn chế bán thiết bị sản xuất chip của Mỹ cho các nhà sản xuất chip nhớ tại Trung Quốc.