Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm, hiện đang giảng dạy tại San Jose City College, California, Hoa Kỳ tại buổi thuyết trình. |
Ngày 19/7/2019, Câu lạc bộ Café Số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của tri thức”, diễn giả là giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm (hiện đang giảng dạy tại San Jose City College, California, Hoa Kỳ).
Tại buổi thuyết trình, giáo sư Nguyễn Hữu Liêm đã đưa ra những giả thuyết về tương lai thực sự của tri thức sẽ thế nào trong xã hội 4.0? Trong thời gian không xa nữa, những bức tranh được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo, những bản nhạc, những bộ phim… được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh hơn, đa dạng hơn con người tạo ra rất nhiều lần.
Giáo sư cũng trao đổi về những biện pháp gì để có thể tiếp thu và truyền thụ tri thức thực cho bản thân và tới cộng đồng trong xã hội 4.0? Cuộc cách mạng 4.0 thực chất là gì? Các doanh nghiệp Việt Nam hiểu gì về big data, chuyển đổi số?
Cũng theo giáo sư Nguyễn Hữu Liêm, sau một ngày làm việc mệt mỏi, trở về nhà, bạn ngồi vào chiếc ghế thư giãn, đeo head-phone hoặc gắn một số đường ống vào cổ tay và nhấn một số nút, hệ thống sẽ cho bạn thưởng thức những tác phẩm âm nhạc bất hủ, đồng thời các chip hỗ trợ đặc biệt sẽ truyền vào não bạn một cảm giác vui vẻ, thoải mái, yêu đời…
Tất cả những tiện ích đó nhìn qua thì tưởng là rất tiện nghi, khi mà guồng máy xã hội được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo, đúng là con người sẽ có ít cơ hội phạm sai lầm hơn, nên có thể đời sống sẽ tốt đẹp hơn trên phương diện kỹ thuật. Nhưng thực ra kỹ thuật tiến hóa nhanh quá mà con người không theo kịp thì sẽ mất hết tự do, sẽ trở thành “nô lệ” của kỹ thuật, bị kiểm soát, bị điều khiển bởi những “ông trời” máy móc điều hành cả cuộc sống loài người. Con người có nguy cơ bị phụ thuộc, bị giới hạn trong những điều mà máy móc lựa chọn, trí tuệ nhân tạo ấn định chứ chưa chắc đã phải là bản thân con người mong muốn.