Ngày 7/11/2006, Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhìn lại chặng đường 15 năm được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, Việt Nam đã có một bước tiến dài trên đại lộ hội nhập.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo Báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới của WTO, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Điều này cho thấy độ mở của nền kinh tế sau khi gia nhập WTO và thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập.

Sân chơi toàn cầu của Việt Nam được khẳng định với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang đàm phán, đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP. Nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD… thì đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên tới trên 545 tỷ USD. Việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do cũng góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc các thị trường bên ngoài.

Theo các định chế tài chính toàn cầu, Việt Nam dù tăng trưởng thương mại nhanh, nhưng vẫn dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài. Do vậy những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam cần cải thiện năng suất, giá trị gia tăng, giảm dần phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, nguyên liệu hay thị trường ngoài nước, điển hình như nông, thuỷ sản, dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp.

Văn Lợi