Về nuôi chim bồ câu, ngay lứa đầu anh đã “trắng tay” khi lỗ hơn 500 triệu đồng, nhưng nhờ kiên trì học hỏi kỹ thuật nuôi chim bồ câu, đến nay mỗi năm anh thu trên 3 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 30 người.

Nói đến việc nuôi chim bồ câu Pháp, những người trong nghề ở các tỉnh phía Bắc không mấy ai là không biết đến  cái tên Phan Minh Hồng khi anh là Giám đốc của Hợp tác xã chăn nuôi Quốc Anh.

{keywords}
Trong giới nuôi chim bồ câu Pháp ở phía Bắc, ít người là không biết đến anh Phan Minh Hồng.

Nghe giới thiệu về anh nhiều, phóng viên Báo điện tử Danviet.vn quyết định tìm đến tận nơi để tham quan mô hình, cũng như mong muốn được gặp anh để tìm hiểu kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp khiến anh thành công vươn lên thành tỷ phú trong vùng.

Ấn tượng đầu tiên về anh Hồng là con người nhỏ thó, kiệm lời và đậm chất dân dã, giản dị. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc nuôi chim bồ câu, anh như trở thành con người khác với ánh mắt sáng đầy tâm huyết, giọng vui vẻ hổ hởi, nhiệt tình.

Theo anh Hồng, trước đây, anh từng làm kỹ sư cho một nhà máy ở Hà Nội với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Lương cao, nhiều người ngưỡng mộ nhưng trong anh luôn có sự thôi thúc phải về quê làm giàu.

“Với mức lương cao, cuộc sống ổn định ở Hà Nội, nhưng trong tôi lúc nào cũng hướng về quê. Trước khi quyết định bỏ việc để về quê, trong tôi cũng đấu tranh tâm lý rất nhiều. Khi tôi quyết định đưa gia đình rời thủ đô về quê, nhiều người cũng cảm thấy bất ngờ và bạn bè thân thiết thì ngăn cản. Tuy nhiên, ý nghĩ về quê làm giàu trong tôi đã thắng”, anh Hồng tâm sự.

{keywords}
Quyết định bỏ nghề kỹ sư với thu nhập cao để về quê, anh Hồng đã phải đấu tranh tâm lý nhiều và có nhiều người ngăn cản.

Cũng theo anh Hồng, khi về quê, với số tiền tích cóp được, rồi vay mượn thêm, kể cả kêu gọi mọi người góp vốn, anh Hồng đã mua 5ha đất ở khu 2, xã Thụy Liễu.

“Mua được đất rồi, nhưng nói thật tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu và làm cái gì, trồng cây gì ở vùng quê nghèo khó, không có cây gì, con gì đặc sản này. Suốt 4 tháng trời, tôi cùng một người bạn đi dọc từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, đến tận Đắk Lắk để tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng tìm mãi cũng không thấy hướng nào hay. Đang lúc chán nản, một hôm tôi thấy đàn bồ câu của gia đình nuôi, tôi đã nảy sinh suy nghĩ sao mình không nuôi đại trà, tập trung giống bồ câu này nhỉ?”, anh Hồng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Danviet.vn

Nghĩ là làm, anh lên mạng tìm hiểu thông tin về cách nuôi chim bồ câu và cách xây dựng trang trại nuôi chim bồ câu. Anh còn rủ bạn xuống Hưng Yên, Bắc Giang để học tập kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, kỹ thuật nuôi chim bồ câu và mua chim giống bồ câu Pháp về nuôi.

Tháng 6/2017, anh bắt đầu xây chuồng trại trên diện tích hơn 400m2 cùng hơn 2.000 đôi bồ câu Pháp. Tuy nhiên, được một thời gian, chim chết gần “trắng chuồng” và thế là chàng kỹ sư lỗ gần 500 triệu đồng.

“Quyết phải thành công trong nghề nuôi chim bồ câu, tôi cố tìm cho ra nguyên nhân dẫn đến chim chết hàng loạt. Sau khi tìm hiểu, tôi mang mấy cặp chim đi khám tại Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, kết quả cho thấy nguyên nhân do chim chưa được tiêm phòng đầy đủ và quan trọng là tôi chưa có kỹ thuật nuôi chim bồ câu chuyên sâu...", anh Hồng giãi bày với phóng viên Báo Danviet.vn.

Sau khi có các phác đồ điều trị, để việc chăn nuôi chim bồ câu đảm bảo khoa học, anh dành nhiều thời gian hơn để quan sát, ghi chép thông tin về mọi thay đổi, thói quen, tập tính của loài chim này. Đồng thời anh cũng tìm kiếm thông tin về loài chim bồ câu qua sách báo, mạng Internet và học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi khác, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho bản thân...

{keywords}
 

Ngoài việc tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 30 người, mỗi năm anh thu được trên 3 tỷ đồng nhờ bán chim bồ câu giống và chim bồ câu thương phẩm. 

Tháng 8/2017, anh tiếp tục mạnh dạn xây thêm một trang trại nuôi chim bồ câu thứ 2 với diện tích hơn 2.500m2 để nuôi thêm hơn 4.000 cặp chim đẻ và đầu tư xưởng sản xuất lồng chim rộng hơn 1.000m2.

Bên cạnh đó, không ngồi chờ cơ hội đến, anh chủ động nắm bắt, tiếp cận thị trường bằng việc có một đội ngũ marketing chuyên nghiệp, xây dựng các website như: bocauvietnam.com.vn hay bocauphutho.com.vn, nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng và nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra cho chủ trại nhập chim giống của mình.

Ngoài ra, anh Hồng còn mở rộng mạng lưới liên kết với HTX ở các tỉnh khác để vừa có đối tác kinh doanh, vừa có hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Nhờ uy tín của mình, anh được đông đảo bà con trong và ngoài tỉnh đến học hỏi và mua chim giống.

Hiện chim bồ câu thương phẩm của anh được xuất bán đi nhiều nơi như: Lào Cai, Sóc Sơn, Ninh Bình, Nghệ An… là nguồn cung ứng chính cho chuỗi thực phẩm sạch An Hòa ở Hà Nội, trong thời gian tới sẽ là siêu thị Big C. Chim bồ câu thịt được bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/con, chim giống từ 250.000 - 500.000 đồng/cặp. Hiện trung bình mỗi tháng, HTX của anh bán được khoảng 12.000 con, tạo việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người.

Theo anh Hồng, chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cám ngô và lúa trộn đều, ăn 2 lần/ngày. Với các cặp đang nuôi chim non thì cho ăn thêm mỗi ngày 1 lần. Ngoài ra, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống phải sạch sẽ và bổ sung thuốc bổ, tiêm thêm thuốc phòng bệnh đúng định kỳ.

{keywords}
 

Không chỉ nuôi chim bồ câu, anh còn có xưởng sản xuất lồng chim, mỗi tháng anh xuất bán hàng trăm lồng. 

Chia sẻ bí quyết thành công của mình, anh nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có định hướng ngay từ ban đầu, xây dựng chiến lược rõ ràng, lấy ngắn nuôi dài. Không ngại khó, ngại khổ, không dễ dàng mà bỏ cuộc”.

Năm 2017 và 2018, anh Hồng lọt vào top 20 nông dân khởi nghiệp xuất sắc của Việt Nam do Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, khen thưởng. Đồng thời, anh cũng nhận rất nhiều giấy khen của huyện và xã vì đã có đóng góp tích cực cho công tác khuyến học, khuyến tài, là gương điển hình đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Với kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp tích lũy của mình, giờ đây anh Hồng có thể hoàn toàn chủ động về kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim bồ câu. Tuy nhiên, anh vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật  mới vào thực tiễn. Hằng năm anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nói chung và nuôi chim bồ câu nói riêng.

Cũng theo anh Hồng, với quy mô đàn chim bồ câu của gia đình hiện nay chưa đủ cung ứng chim thương phẩm cho các thương lái, chim giống cho các hộ chăn nuôi nên anh dự định năm tới sẽ mở rộng quy mô đàn, đầu tư thêm để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

(Theo Dân Việt)