- Ngày 30/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì một cuộc gặp gỡ giữa Bộ GD-ĐT và một số nhà giáo, người quan tâm tới giáo dục, lãnh đạo trường đại học để các bên trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD-ĐT, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH FPT… Bên cạnh đó, còn có GS. Nguyễn Minh Thuyết, GS. Phạm Tất Dong, GS. Nguyễn Lân Dũng, TS. Lê Thống Nhất, TS. Nguyễn Tùng Lâm…
Mở đầu buổi tọa đàm, một báo cáo về cách thi tốt nghiệp ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh,… cũng như tổng kết lại các phương thức thi và xét tuyển sinh từ những năm 1970 trở lại đây đã được giới thiệu.
Qua tổng kết này, có thể thấy mỗi phương án đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Đề thi năm nay: Chưa phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp
Nhiều chuyên gia chia sẻ, đây không phải là một cuộc họp mang tính chất hội nghị, không có những kết luận chỉ đạo được đưa ra.
"Tôi đánh giá cao tinh thần lắng nghe, cầu thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mặc dù có những ý kiến trong cuộc gặp gỡ này không hề dễ nghe chút nào” – ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT chia sẻ.
Những vấn đề chính được các chuyên gia bàn thảo và góp ý xoay quanh kỳ thi THPT quốc gia: đề thi, coi thi và chấm thi, phần mềm, yếu tố con người…
Các ý kiến đưa ra cho rằng: Đề thi được đánh giá là chưa ổn định giữa các năm, thiếu bộ phận làm thử đề, cần phù hợp hơn với mục tiêu đánh giá kết quả học tập ở phổ thông; cách xét tốt nghiệp bao gồm cả điểm học bạ là chưa hợp lý…
Trong phần phát biểu cuối ngày sau khi lắng nghe các ý kiến, phản hồi trước những ý kiến về đề thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhìn nhận rằng đề thi năm nay "chưa phù hợp" với mục tiêu để xét tốt nghiệp THPT:
"Mặc dù qua từng kỳ thi có rút kinh nghiệm và cải tiến, nhưng rõ ràng công tác ra đề thi, chất lượng đề thi thời gian vừa rồi, chúng tôi xác định đề thi chưa đạt yêu cầu. Cần phải bám sát được chuẩn năng lực học sinh, những yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và mức độ tin cậy của các đề thi phải tốt hơn nữa. Về vấn đề phần mềm, trong quá trình bảo mật, chúng tôi cũng cố gắng nhưng rõ ràng khi rà soát lại thì thấy chưa được chuẩn, chưa được chặt chẽ". (xem chi tiết TẠI ĐÂY)
Đề xuất: Chấm theo cụm, giám thị coi thi gửi file ảnh về Bộ
Bên cạnh đó, phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được chỉ ra có nhiều kẽ hở, ví dụ như khâu chuyển từ file ảnh sang file text.
Tại buổi gặp, đã có một số đề xuất giải pháp như: Trước khi thí sinh nộp bài cần tô lại bằng bút mực để tránh tẩy xoá sau đó, bộ phận coi thi của trường đại học cần ở lại thêm thời gian để quét bài và gửi về Bộ mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ, quét ảnh cả bài thi tự luận môn Ngữ văn…
Ở khâu chấm thi, các ý kiến đề xuất chấm theo cụm, chấm chéo.
Về bài thi trắc nghiệm, nhiều đại biểu có ý kiến bài thi này cũng cần được làm và rọc phách. Cùng với đó, sau khi thí sinh thi xong thì tiến hành niêm phong và đưa về chấm tập trung do Bộ GD-ĐT giám sát. Tức là Bộ có thể tổ chức làm 3-4 cụm chấm thi ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,…
Do việc chấm bằng máy sẽ diễn ra rất nhanh nên sẽ do người của Bộ đứng ra phụ trách các điểm chấm này. Việc chấm bằng máy không cần huy động người của địa phương. Có thể huy động một số cán bộ có chuyên môn từ phổ thông hoặc đại học đến chấm.
Với ý kiến nên giao cho trường đại học chủ trì việc coi thi và chấm thi, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không nên, vì rõ ràng đây không phải kỳ thi tuyển sinh đại học, do đó không thể giao cho các trường đại học được, mà phải giao cho các tỉnh. Nhưng theo ông cần phải rà soát lại quy chế thi và các yếu tố kỹ thuật.
Trước những bê bối gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La trong mùa thi vừa qua, toạ đàm thống nhất quan điểm: quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Kỳ thi có đủ tin cậy hay không, có nghiêm túc hay không vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người.
Chính vì thế, trách nhiệm cần phải quy rõ ràng cho cá nhân, địa phương tổ chức, giám sát, chứ Bộ GD-ĐT không thể “vươn tay ra từng ly từng tí” – TS. Ngọc cho hay. Cụ thể, người chịu trách nhiệm cao nhất nên là Trưởng ban Chỉ đạo thi của địa phương – tức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, chứ không chỉ của Sở GD-ĐT.
Phần lớn chuyên gia đồng ý với hướng thay đổi cách ra đề để có thể lấy kết quả kỳ thi này xét tốt nghiệp THPT, mà không phải cộng điểm học bạ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng kết quả thi chỉ nên là một phần, không dựa tuyệt đối vào một yếu tố.
Trước mắt vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia
Về phía các trường đại học, PGS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mặc dù vẫn còn một số ý kiến khác nhau nhưng các ý kiến cho rằng việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiện nay cần thiết phải kéo dài một vài năm nữa với một số cải tiến nhằm nâng cao độ tin cậy, tính trung thực của kỳ thi để phù hợp hơn với 2 mục đích chính là đánh giá kết quả học tập phổ thông và xét tốt nghiệp phổ thông.
“Ngoài mục đích xét tốt nghiệp, kỳ thi còn có mục đích quan trọng khác là đánh giá kết quả dạy và học của từng trường, từng địa phương trên quy mô toàn quốc để có chuẩn mực chung, và có tác động lại quá trình dạy và học” – ông Sơn nêu ý kiến.
Theo vị hiệu trưởng này, các kẽ hở về mặt kỹ thuật, khi đã nhìn ra được thì giải pháp đưa ra không khó. "Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Vì thế, cần giao trách nhiệm rõ hơn, ràng buộc chặt chẽ hơn với những người tham gia".
TS. Quách Tuấn Ngọc cho biết, mặc dù chỉ ra nhiều bất cập, đề xuất cho kỳ thi, song các đại biểu cũng thừa nhận những ưu điểm của nó.
“Thứ nhất là kỳ thi đã tránh tốn kém một cách tối đa. Ưu điểm thứ hai là hệ thống công nghệ cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Phần mềm chạy trơn tru, tự động hoàn toàn và không còn hiện tượng thí sinh ảo. Đó là những ưu điểm khắc phục cho những năm trước” – TS. Ngọc nói.
Các ý kiến cho rằng cần giữ kỳ thi THPT quốc gia thì phải cải tiến, điều chỉnh, "chứ không phải vì những tiêu cực ở Hà Giang, Sơn Là mà dao động".
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Cũng có ý kiến, các trường đại học phải đổi mới tuyển sinh bởi vì việc đó chi phối tới dạy và học ở phổ thông rất nhiều. Phải bỏ xét tuyển dựa trên tổ hợp A, B, C, D đi, mà phải đưa ra những chuẩn khác để khích lệ học sinh học. Hoặc mỗi ngành nghề đòi hỏi những kỹ năng riêng thì phải làm rõ yêu cầu của ngành nghề đó, chứ chỉ chạy riêng khối thi là không hợp lý”.
Thứ hai là phải làm rõ vai trò của người học. “Hiện nay chúng ta cứ đổ lỗi cho thi cử nhưng không nói về người học. Người học không trách nhiệm, không tích cực, tự giác thì chẳng làm gì được cả” – TS. Lâm nói.
Trong khi đó, theo tường thuật của Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP), TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT nêu thống kê cho biết hiện nay có khoảng 3/4 số trường ĐH không coi điểm tốt nghiệp là yếu tố tiên quyết, duy nhất để xét tuyển. “Vậy nếu bỏ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp liệu có ảnh hưởng lớn, gây biến động đối với các trường ĐH, CĐ”, TS. Lê Trường Tùng đặt vấn đề.
Cũng theo tường thuật của VGP, GS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục mà là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu bỏ kỳ thi thì với “bệnh thành tích, cục bộ” hiện nay học sinh dù không cố gắng học cũng vẫn có điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp, trình độ mặt bằng giáo dục chung trong cả nước sẽ không thống nhất. Chưa kể bằng tốt nghiệp THPT là một trong những văn bằng giáo dục của Việt Nam đang được một số nước công nhận. Phổ điểm của kỳ thi còn giúp nhận diện các vấn đề giáo dục phổ thông tại từng địa phương, chống tình trạng học lệch. Bên cạnh đó, không thể tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH, CĐ vì trái Luật Giáo dục Đại học, vi phạm quyền tự chủ của trường ĐH có trong tuyển sinh.
Một kỳ thi đảm bảo cả 2 mục tiêu là "không thể"
Về những góp ý và tranh cãi trước đây cho rằng kỳ thi không thể đáp ứng được 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, TS. Ngọc nhấn mạnh: “Toạ đàm nhất trí không gây hiểu nhầm đây là kỳ thi "2 trong 1" như cách gọi lâu nay, mà đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Vì thế, để đảm bảo cả mục tiêu xét tuyển đại học là không thể. Nếu kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, tin cậy thì tuỳ trường có thể sử dụng kết quả để xét tuyển, chứ không đặt mục tiêu các trường lấy điểm đó để xét tuyển đại học. Việc các trường sử dụng hay không là chuyện của các trường”.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng góp ý: “Trước mắt, theo tôi, cần tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng từ trước và của Bộ trưởng là ổn định kỳ thi này cho đến hết năm 2020.
Nhưng cần phải làm rõ tính chất của kỳ thi là gì? Tính chất của kỳ thi này là tốt nghiệp THPT chứ không kèm thêm mục tiêu dùng để tuyển sinh đại học. Nếu xác định được mục tiêu như thế thì kỳ thi cũng sẽ nhẹ nhàng, đề thi cũng không cần cố gắng phân loại quá nhằm mục đích tuyển sinh mà chỉ ở mức độ kiểm tra kiến thức, kỹ năng ở phổ thông. Các trường đại học có thể dựa vào và coi như đây là một trong những căn cứ để xét tuyển mà thôi. Có trường dựa trên kết quả kỳ thi này nhưng cũng có trường tổ chức kỳ thi bổ sung hoặc có hình thức đánh giá nào đó là tùy thuộc vào các trường”.
Các đại biểu tham gia buổi họp cho biết, tinh thần của toạ đàm là để Bộ GD-ĐT lắng nghe các trao đổi, còn những thay đổi, cải tiến cụ thể cho các kỳ thi năm tới sẽ được thảo luận kỹ hơn.
“Về lâu dài, theo tôi việc xét tốt nghiệp THPT nên giao cho các trường THPT xét và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình, thậm chí có thể cấp bằng tốt nghiệp THPT luôn. Như vậy mới có thể đánh giá được chính xác quá trình học tập của học sinh và mới có thể áp dụng phương pháp dạy học tích cực, tức là cho học sinh thực hành nhiều. Chứ nếu vẫn thi tập trung như hiện nay thì đề ra vẫn là kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải bài tập. Và giáo viên cũng sẽ không tội gì phải cho học sinh đi thực tế, thực hành làm gì mà cứ nhồi kiến thức và kỹ năng giải bài tập. Nếu cải tiến như thế thì sẽ hỗ trợ cho chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên cũng có lo ngại rằng giao cho các trường sẽ có bệnh thành tích thì tôi cho là không ngại. Bởi kết quả tốt nghiệp của trường không có giá trị xét tuyển vào đại học trừ những trường chỉ xét tuyển. Còn lại những trường đại học uy tín thì sẽ tổ chức thi tuyển. Nếu tỷ lệ tốt nghiệp cao nhưng học sinh của trường tỷ lệ vào các trường đại học danh tiếng ít thì dần dẫn sẽ lộ ra bệnh thành tích. Người dân và chính quyền cũng sẽ không đồng tình và rồi các trường phải thay đổi. Tuy nhiên cũng có điều mà hiện nay bản thân tôi cũng chưa tìm được lời giải là: nếu như vậy thì với bằng phổ thông do các trường cấp, chúng ta có thể đàm phán để các nước công nhận bằng của mình không. Các trường đại học khi được trao quyền này, có thể sẽ nảy sinh chuyện luyện thi, rồi thí sinh phải di chuyển xa. Phương thức nào cũng có cái khó nhưng tôi nghĩ chuyện này vẫn có cách giải quyết. Để cho học sinh không phải di chuyển xa thì các trường đại học có thể liên kết với nhau để tổ chức thi và sử dụng kết quả chung. Giờ tỉnh nào cũng có các trường đại học nên các trường đại học ở trung ương có thể liên kết với các trường của địa phương để tổ chức thi ngay ở địa phương”. - GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. |
Nguyễn Thảo – Thanh Hùng
"Môn Toán, Lý, Hoá có phổ điểm phù hợp để tuyển sinh đại học"
"Môn Toán, Lý, Hoá có phổ điểm phù hợp để tuyển sinh đại học do phân bố điểm tương đối chuẩn, cho phép dễ dàng phân loại thí sinh để tuyển sinh" - TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập nghiên cứu giáo dục đại học nhận định.
Thi THPT quốc gia: “Không phải xử anh Lương, anh Hoài là xong chuyện”
TS Lê Viết Khuyến cho rằng khi nào hình thành được văn hoá chất lượng, hệ thống kiểm định của cả hệ thống tốt thì hãy nói đến chuyện bỏ kỳ thi tốt nghiệp.
Những kỷ lục chưa từng có ở các vụ bê bối thi THPT quốc gia 2018
Những sai phạm trong chấm thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là vụ gian lận chưa từng có trong lịch sử các kỳ thi quốc gia. "Kỷ lục" không hề vui vẻ này còn kéo theo những kỷ lục khác trong cả quá trình phanh phui.
Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát việc coi thi, chấm thi THPT quốc gia
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi nhất là khâu coi thi, chấm thi.
Mệnh lệnh nào buộc phải truy tìm gian lận thi THPT quốc gia ở Hà Giang?
Trong khi robot Sophia đang diễn thuyết cảnh báo nguy cơ tụt hậu “cách mạng 4.0” thì những người “tay ngang” hoặc thành thạo Excel đang dò dẫm theo những dấu vết nhỏ để lần tìm tiếp nghi vấn gian lận thi cử ở Hà Giang.
Bộ Giáo dục xác nhận có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Giang
Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh xác nhận có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.