- Chỉ riêng Việt Nam sử dụng hàng không dân dụng để chuyển tạng với quãng đường đi xa gấp 4 lần các nước.
GS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, từ năm 2015 đến nay, Vietnam Airlines (VNA) đã phối hợp cùng trung tâm vận chuyển 5 chuyến mô tạng của người hiến chết não bằng máy bay để kịp thời ghép cứu 8 bệnh nhân.
Hành trình vận chuyển tạng xuyên Việt đầu tiên từ TP.HCM ra Hà Nội vào tháng 9/2015 với 1 quả tim và 1 lá gan, cứu sống 2 bệnh nhân. 7 tháng sau đó, tiếp tục có chuyến chuyển tạng xuyên Việt lần thứ 2, cũng với 1 lá gan và 1 trái tim.
Nữ tiếp viên thắt dây an toàn cho thùng đựng tạng trên máy bay |
Cuối tháng 2/2018, trung tâm điều phối 1 trái tim và 1 thận hiến tặng từ Hà Nội ngược vào TP.HCM.
Liên tiếp giữa tháng 5 và tháng 6 vừa qua, có thêm 2 chuyến bay từ Hà Nội vào Huế, vận chuyển kịp thời 2 trái tim cứu sống 2 bệnh nhân suy tim nặng.
Theo GS Sơn, ngoài yếu tố chính liên quan trực tiếp đến sự tương thích giữa người cho và người nhận tạng, việc mô tạng được bảo quản và vận chuyển trong thời gian ngắn nhất giữa các địa phương cũng là điều kiện tiên quyết để các ca ghép tạng thành công.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, ở hầu hết các nước phát triển, quãng đường vận chuyển tạng xa nhất chỉ 500km, trong khi Việt Nam vận chuyển tim (có thời gian bảo quản ngắn nhất, từ 4-6 giờ) tới gần 2.000km với hàng loạt rủi ro, có vé đi không có vé về hoặc bị delay.
GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV TƯ Huế chia sẻ thêm, ông đã từng phải xin nghỉ họp Quốc hội để trực tiếp vận chuyển trái tim của người hiến để ghép cho bệnh nhân. Trong đó có trường hợp chuyến bay đi Huế hết vé, nên ekip chuyển tạng phải bay vào Đà Nẵng rồi tức tốc chạy đường bộ đến Huế.
|
Ekip vận chuyển tạng trên các chuyến bay |
“Có lẽ Việt Nam là quốc gia đầu tiên sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng hiến, nhiều bạn bè quốc tế khi biết rất ngạc nhiên vì sợ không đảm bảo được thời gian. Ở Pháp, chủ yếu vận chuyển bằng máy bay cánh bằng chuyên dụng hoặc máy bay trực thăng cho quãng đường từ 100-150km”, GS Hiệp chia sẻ.
Để khắc phục những rủi ro không đáng có, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã ký thoả thuận với VNA. Theo đó hãng Hàng không quốc gia Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa các thủ tục vận chuyển mô/tạng và miễn phí ghế ngồi tại khoang thương gia cho thùng đựng mô/tạng và các thiết bị đi kèm trong quá trình điều phối mô/tạng của trung tâm.
Để quá trình vận chuyển mô tạng đảm bảo thời gian "vàng", VNA đã xây dựng quy trình riêng cho các hoạt động vận chuyển mô tạng cũng như thành lập nhóm xử lý nhanh các tình huống hỗ trợ khẩn cấp theo thời gian thực tế.
Chuyến bay có vận chuyển tạng được ưu tiên khai thác hơn các chuyến bay thương mại khác. ekip vận chuyển tạng hiến đã đặt chỗ trên chuyến bay sẽ được vận chuyển trong mọi trường hợp.
Trường hợp máy bay đầy chỗ, VNA sẽ kêu gọi, thuyết phục khách nhường chỗ cho ekip ghép tim.
Nếu chuyến bay gặp thời tiết xấu, máy bay sẽ đáp xuống sân bay gần nhất và phi công phải thông báo với sân bay dự bị để chuẩn bị xe cấp cứu và thiết bị vận chuyển nối tiếp đến bệnh viện thực hiện ghép...
Thúy Hạnh
Chàng trai tặng mẹ 2/3 lá gan vẫn đi tập gym, bơi lội
Nguyễn Trung Quân đã hiến tặng mẹ 2/3 lá gan. Ngay sau đó anh vẫn trở lại tập gym, chơi thể thao, bơi lội như người bình thường.
Đưa tim và thận của Thiếu tá quân đội xuyên Việt cứu 2 người bệnh
Quả tim và thận của Thiếu tá quân đội 45 tuổi vượt quãng đường 1.600 km từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép cho 2 người bệnh.
Hành trình đưa quả tim Thiếu tá quân đội vượt 1.600 km cứu người
Nước ngoài họ chỉ vận chuyển quả tim trong bán kính 500 km, còn mình phải vượt hơn 1.600 km. Chỉ cần sơ suất nhỏ, mọi công sức sẽ đổ sông đổ biển.
Vượt 700km mang quả tim từ Hà Nội vào Huế cứu bệnh nhân suy tim
Sau khi tiếp nhận thông tin có người hiến tạng, kíp bác sĩ đã ra Hà Nội đưa tim về Huế cứu sống bệnh nhân bị suy tim.