Ngành nông nghiệp năm 2018 tiếp tục phá kỷ lục khi giá trị xuất khẩu đạt khoảng hơn 40 tỷ USD. Trong đó, nổi bật là ngành lúa gạo đã tạo ra kỳ tích mới khi bất ngờ vượt Thái Lan, còn con số 4 tỷ USD của ngành rau quả xuất khẩu lại đang gây tranh cãi.

Nông nghiệp thăng tiến, nông dân vẫn lắc lư dễ ngã

Vượt Thái Lan, ghi danh trên bản đồ nông sản

Không còn là bức tranh u ám như năm 2017, năm 2018 ngành lúa gạo dường như đã khởi sắc. Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến cuối năm, mặt hàng gạo xuất khẩu kỳ vọng đạt 6,15 triệu tấn, mang về 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.

Sau nhiều năm chịu phận lép vế trước đối thủ Thái Lan, vào tháng 3/2018, Bộ NN-PTNT cho hay, giá gạo xuất khẩu bình quân đã bật tăng lên 475 USD/tấn, thay vì mức 435 USD/tấn của năm 2016 và 450 USD/tấn (2017). Đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây, và cao hơn cả giá gạo Thái Lan sau nhiều năm được đánh giá là lép vế về giá và chất lượng.

Để có được thành tựu trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định, gạo Việt xuất khẩu được giá cao là do chất lượng gạo đã tăng lên. Như trước đây chúng ta thường xuất khẩu gạo thường IR 50404, giờ chủ yếu xuất gạo nếp thơm, ngon. Cụ thể, trong năm 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu xuất khẩu.

{keywords}
Ngành lúa gạo năm 2018 đã đạt được nhiều thành tựu 

Theo ông Tuấn, giá gạo xuất khẩu tăng do Việt Nam nhiều năm qua đã tái cơ cấu ngành lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng và bước đầu cho kết quả tốt. Hơn nữa, các nước cùng tham gia đấu giá công khai với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi, cơ bản chất lượng gạo của các đối thủ không cải thiện nhiều, còn gạo Việt có cải tiến đáng kể.

Không đón tin vui về cả lượng và giá gạo xuất khẩu, vào tháng 5 năm nay, gạo Việt Nam còn chính thức có tên trên bản đồ nông sản khi Bộ NN-PTNT ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice nhằm quảng bá sản phẩm, giữ gìn uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo.

Mới đây, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) lần đầu tiên công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam với hình ảnh bông lúa cách điệu. Cùng với đó, các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh, là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới.

Dù đi sau Thái Lan hơn 100 năm về chuyện xây dựng thương hiệu lúa gạo, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, gạo Việt Nam có thương hiệu quốc gia, có logo là điều hết sức ý nghĩa. Bởi, từ logo, thị trường thế giới sẽ phần nào nhận biết được gạo có xuất xứ Việt Nam, giúp gạo nước ta khẳng định được chất lượng, giá trị cũng như dễ dàng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế.

Dấu hỏi về con số 4 tỷ USD xuất khẩu rau quả

Là một ngành được đánh giá là có nhiều tiềm năng về xuất khẩu và đem lại giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, xuất khẩu rau quả có sự tăng trưởng thần tốc. Mặt hàng này không chỉ lọt vào top 10 loại nông sản có giá trị xuất khẩu tỷ USD, vượt cả xuất khẩu dầu thô vào năm 2017 (2,8 tỷ USD), vượt cả ngành hàng xuất khẩu chiến lược như gạo (2,66 tỷ USD) để mang về 3,45 tỷ USD.

Năm 2018, xuất khẩu rau quả tiếp đà tăng trưởng khi giá trị xuất khẩu ngành hàng này trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính, hết năm 2018, xuất khẩu rau quả sẽ đạt 4 tỷ USD, lọt top 3 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao nhất toàn ngành.

{keywords}
Nhiều tranh cãi xung quanh con số 4 tỷ USD xuất khẩu rau quả trong năm 2018

Thế nhưng, giữa năm 2018 rộ lên thông tin, Việt Nam xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc giùm Thái Lan. Cụ thể, nhiều loại hoa quả Thái Lan được nhập vào Việt Nam và 100% được xuất sang Trung Quốc như: nhãn tươi, sầu riêng, măng cụt, nhãn khô.

Trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, giải thích các loại hoa quả Thái Lan được nhập về theo diện hàng xuất trả qua nước thứ ba. Tức là, nhà nhập khẩu nhập hàng từ Thái Lan vào Việt Nam bao nhiêu thì xuất sang Trung Quốc bấy nhiêu. Theo cam kết, lượng trái cây Thái Lan này không phải chịu thuế nhập khẩu của Việt Nam mà chỉ chịu các loại phí, dịch vụ vận chuyển...

"Theo hình thức này, hàng được nhập vào rồi bán ra, được thống kê trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng giá trị để lại Việt Nam không nhiều, vì hoa quả Thái Lan chỉ mượn đường của ta để xuất sang Trung Quốc" - ông Toàn nói.

Câu hỏi đặt ra là con số 4 tỷ USD đạt được của ngành rau quả xuất khẩu có phải là con số ảo? Chưa một cơ quan chức năng nào lên tiếng trả lời về vấn đề này, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, nếu là con số ảo thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy xấu cho các doanh nghiệp và cho cả người nông dân trong đầu tư sản xuất cũng như chế biến.

Tất nhiên, cũng không thể vì thế mà phủ nhận những nỗ lực mà ngành rau quả đạt được những năm qua. Đó là việc hoa quả Việt Nam đã đặt chân được vào những thị trường cực kỳ khó tính, như chôm chôm vào New Zealand, xoài xuất khẩu sang Úc,... thay vì chỉ có mỗi thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Lưu Minh

Câu hỏi của Thủ tướng: Chúng ta đứng top 15 nước về nông nghiệp được không?

Câu hỏi của Thủ tướng: Chúng ta đứng top 15 nước về nông nghiệp được không?

“Thành tích thì chúng ta hoan nghênh, nhưng lạc hậu, chậm hơn nông nghiệp một số nước trong khu vực, nhất là so sánh với Thái Lan thì phải suy nghĩ rất nhiều. Campuchia xây dựng thương hiệu còn tốt hơn chúng ta”.

Tăng 200%, cao nhất thế giới: 2 lần họp khẩn trái ngược ở Bộ Nông nghiệp

Tăng 200%, cao nhất thế giới: 2 lần họp khẩn trái ngược ở Bộ Nông nghiệp

Một năm trước triệu tập họp khẩn để giải cứu vì giá giảm, nay lại họp khẩn vì giá tăng quá cao lên nhất thế giới.