Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, kỷ tử là vị thuốc phổ biến trong Đông y, được mệnh danh là “kim cương đỏ”, có tác dụng kéo dài tuổi thọ.

Trong y học cổ truyền, kỷ tử có vị ngọt, tính bình và tác dụng dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, tráng dương, nhuận phế. Người dân có thể sử dụng kỷ tử làm thuốc bổ, chữa hư lao, đau lưng mỏi gối, di tinh, ra nhiều nước mắt, mắt mờ, tiểu đường.

Theo y học hiện đại, kỷ tử chứa betain, 8-10% axit amin, vitamin B1, B3, vitamin C, carotene, riboflavin. Kỷ tử còn chứa nhiều tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như phốt pho, canxi, sắt. 

ky tu tot cho suc khoe.png
Kỷ tử được ví như vị thuốc trường thọ. Ảnh: Sohu. 

Tác dụng với sức khỏe của kỷ tử:

1. Cải thiện trí nhớ

Kỷ tử chứa nhiều vitamin và chất khoáng giúp tinh thần minh mẫn. Đặc biệt, betain trong kỷ tử khi vào cơ thể chuyển đổi thành cholin giúp tăng cường và phục hồi trí nhớ.

2. Tăng cường sinh lý

Kỷ tử hỗ trợ sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ, cải thiện nồng độ testosterone trong máu, tốt cho chuyện phòng the. Đồng thời tăng khả năng di chuyển, số lượng tinh trùng, chữa di mộng tinh ở nam giới.

3. Chống lão hóa

Kỷ tử chứa nhiều vitamin C và chất xơ, ít chất béo vì vậy có thể chống xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao. Đồng thời, kỷ tử có tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư, chống lão hóa mạnh mẽ.

4. Tăng cường hệ miễn dịch

Chất polysaccharide trong kỷ tử làm tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch. Nhờ đó, kỷ tử ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn, virus, giảm ốm vặt khi thời tiết thay đổi thất thường, không khí ẩm ướt.

5. Giúp đẹp da, giảm cân hiệu quả

Kỷ tử có hàm lượng dinh dưỡng cao, calo thấp, nhiều chất xơ tạo cảm giác no nhanh.

Zeaxanthin trong kỷ tử chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào khi tiếp xúc với các yếu tố như khói và phóng xạ. Thường xuyên dùng kỷ tử sẽ giúp bạn có làn da mịn màng, tươi trẻ.

Bốn món ăn có thể bổ sung kỷ tử tốt cho sức khỏe: 

Thịt nạc xào kỷ tử: Bạn cho thịt nạc và măng tươi xé nhỏ vào chảo, đảo đều, thêm chút gia vị vừa đủ. Khi thịt, măng gần chín, bạn cho kỷ tử vào đảo một lúc. Món ăn hỗ trợ điều trị các chứng suy nhược cơ thể, hoa mắt, chóng mặt, thận hư, thị lực kém.

Kỷ tử hấp trứng: Bạn lấy hai quả trứng gà đập vào bát thêm chút dầu ăn, đánh tan. Kỷ tử ngâm nước sôi cho nở. Đổ trứng vào khay hấp trong nước sôi to lửa khoảng 10 phút. Cho kỷ tử lên trên hấp thêm 5 phút là ăn được. Món ăn tốt cho người bị nhức đầu, chóng mặt, tim đập hoảng hốt, suy nhược cơ thể, đái tháo đường, đau lưng mỏi gối...

Kỷ tử hấp gà mái: Gà làm sạch sẽ, chần nước sôi, vớt ra để ráo nước, bỏ kỷ tử vào trong bụng, quay bụng gà lên trên, cho thêm gừng tươi, gia vị, hạt tiêu, nước vừa đủ, cho vào nồi, đun chín. Món ăn dùng cho người can thận bất túc, đầu váng mắt hoa, hay ngủ mơ, hay quên, lưng đau gối mỏi, di tinh.

Kỷ tử hầm chim câu: Chim câu non rửa sạch, mỗi con cắt thành bốn mảnh, chần qua nước sôi, rửa sạch, cho gừng thái miếng, gia vị, tiêu bột và kỷ tử đậy nắp bỏ vào nồi hấp khoảng 30 phút -1 giờ là dùng được. Món ăn có tác dụng bồi bổ cho người ốm lâu ngày, cơ thể hư nhược, khí đoản, thị lực kém, hoa mắt nhức đầu, lưng đau gối mỏi, đái tháo đường.