Từ năm học này, KTX Bách khoa ở quận 10 sẽ chính thức đón nhận thêm SV các trường đại học khác vào ở, ngoài sinh viên (SV) trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Thật ra từ thời mình đi học, cũng từng có SV trường khác vào sống trong KTX Bách khoa nhưng không nhiều. Đây cũng là một tin vui, SV tỉnh lẻ, đặc biệt là SV nghèo, không còn phải lo lắng nhiều về chuyện tìm chỗ ở giữa thành phố hoa lệ.

KTX Bách khoa không những là nơi rất an toàn, cơ sở vật chất rất tốt, tiền phòng rất rẻ so với mặt bằng thuê nhà, mà còn là nơi rèn luyện thêm cho SV nhiều kỹ năng sống trong môi trường tập thể.

Mấy chục năm qua, KTX Bách khoa vẫn luôn là mái nhà chung của SV từ tỉnh lẻ, và mình tin rằng sau này ra đời, dù có đi đâu hay làm gì, thì những tháng ngày ở KTX vẫn luôn là thanh xuân tươi đẹp của những người từng sống ở đó.

Mỗi lần có dịp đi qua khu vực KTX Bách khoa, mình hay tranh thủ vài phút để thong thả chạy xe chầm chậm, cố tìm lại chút dư âm ngày cũ, nhưng cảnh cũ không còn...

Một ngày đầu thu gần 30 năm trước, có một cậu học trò gầy gò nhút nhát bước vào KTX Bách khoa. Đang bỡ ngỡ lạ nước lạ cái thì chợt giật bắn người vì những tiếng gào thét  “giết, giết” kèm theo tiếng bước chân chạy thình thịch xen lẫn tiếng khua nồi niêu xoong chảo, tất cả tạo thành một thứ âm thanh thật kỳ ảo.

Mới đầu mình tưởng có trộm lẻn vào KTX. Sau vài phút, chợt nhận ra đó chỉ là màn chào đón một bông hồng nào đó lạc bước vào KTX mà thôi, chứ không có kẻ trộm nào cả. Có cô em gái sau mình một khóa, ngay ngày đầu tiên, bị "giết, giết" và tạt nước ướt như chuột lột, chỉ biết đứng khóc giữa sân KTX.

Vậy mà hơn 20 năm sau, bạn đã tự tay gửi gắm đứa con gái đầu lòng vào sống ở cái nơi mà bạn đã từng đứng khóc tức tưởi, cũng là cái nơi mà bạn đã tìm được một nửa của đời mình.

Bao nhiêu năm qua, mình vẫn nhớ dì Liên ở nhà ăn số 2 thương mình, thường lấy một ít nước lèo hủ tíu thêm chút hành ngò làm thành một tô canh nóng cho mình những tối đi dạy kèm về khuya, để dễ nuốt cơm nguội. Nhớ chị Ngân, chị Thu ở nhà ăn số 2 thương mình, thường cho mình nhiều cơm và nhiều thịt hơn một chút.

Nhớ chị Tư con dì Mùi ở nhà ăn số 3 cũng thường cho mình nhiều thịt hơn người khác. Chị nói mình hay cười, nhìn mặt mình là chị thấy vui, mỗi lần mình mở hàng là chị bán hết sớm.

Nhớ chị Duyên ở nhà ăn số 3 thương mình, nghe tin mình bệnh, chị leo lên tận lầu 4 tặng mình hộp sữa Ông Thọ, dù lương người đi phụ bán cơm cũng chẳng được bao nhiêu. Ngày đi du học về, mình có dò hỏi mấy lần mà chẳng ai biết những người muôn năm cũ giờ đang ở nơi đâu.

Họ chỉ là những con người thật bình dị trong xã hội, không địa vị, không chức tước, nhưng họ để lại trong lòng mình ấn tượng thật đẹp, bao nhiêu năm trôi qua, mình vẫn nhớ hoài về họ.

Tối cuối năm dương lịch, KTX chợt bừng lên thật lung linh kỳ ảo. Tất cả xô nhựa màu đỏ màu vàng hay màu xanh được treo ra lan can để làm lồng đèn. Bóng đèn tròn vàng vọt đưa vào các xô nhựa, ban ngày nhìn thô sơ, nhưng về đêm, những dãy nhà chợt sáng bừng lên không thua gì các khách sạn ở trung tâm Sài Gòn hoa lệ.

KTX mở cửa đón SV từ nhiều trường khác qua chơi trắng đêm. Thời đó chưa có Internet, chưa có smart phone, sân chơi cho SV cũng chẳng có gì, nên tối cuối năm dương lịch ở KTX Bách khoa nghiễm nhiên trở thành ngày hội lớn của SV cả Sài Gòn chứ không riêng gì SV Bách khoa.

Sân khấu được dựng lên, những ca sỹ nổi tiếng nhất của Sài Gòn được mời về hát. Sân KTX đông nghẹt, các hành lang, các cầu thang bộ cũng đông nghẹt, không khí thật náo nhiệt suốt cả đêm.

Nhớ ngày đầu tiên, tính đi tắm, nhưng phòng không có nước, xuống nhà tắm công cộng, thấy mọi người chen chúc nhau bên hồ nước cạn đến đáy, nhưng rồi cuối cùng mình cũng đủ nước để thấm ướt được từ đầu đến chân.

Bước vào nhà vệ sinh, thấy toàn là những câu nói 18+ được viết khắp các bức tường, mà gần 30 năm rồi mình vẫn nhớ có bài thơ bắt đầu bằng câu “Hôm qua lên núi hái chè”. Tối tối, bên phía sân Thống Nhất, nhiều người ngồi uống bia hơi, tiếng cụng li dzô dzô cùng với tiếng cười nói xen lẫn tiếng còi xe tin tin thật là náo nhiệt.

Sau này thì khác, KTX được xây lại, phòng ốc khang trang, có những phòng có thêm máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt cho những ai có nhu cầu. KTX lại nằm chung vách với siêu thị Coopmart, nên chuyện mua sắm vật dụng hàng ngày cũng tiện lợi hơn.

Mỗi lần có dịp đi qua khu vực đó, mình hay tranh thủ vài phút để thong thả chạy xe chầm chậm vài vòng trên những con đường vòng quanh KTX, cố tìm lại chút dư âm ngày cũ, nhưng cảnh cũ không còn, người xưa không thấy, tất cả chỉ còn trong hoài niệm.

Đôi khi trong giấc ngủ chập chờn, giữa cơn mơ, bất chợt còn nghe văng vẳng bên tai những tiếng “giết, giết” cùng những âm thanh náo nhiệt quen thuộc, đôi khi lại thấy mình đang ở giữa không khí nhộn nhịp của chiều cuối năm dương lịch trong KTX, giật mình tỉnh giấc lòng vẫn còn tiếc nuối.

Cũng chỉ hơn ngàn ngày sống ở đó thôi, hơn ngàn ngày là quá ngắn ngủi so với một đời người, nhưng cũng đã đủ dài để tất cả những ký ức đẹp luôn còn mãi ở một góc nhỏ trong tim, mỗi khi có dịp lại cháy bùng lên da diết.

Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.

VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.

Trân trọng cảm ơn!

Một giảng viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM