LTS: Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.

VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.

Trân trọng cảm ơn!

Vùng “địa linh nhân kiệt“

Quê tôi là xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tên xã trước đây là Việt Yên Hạ, thường gọi là Kẻ Hạ, đối diện bên kia sông La là Kẻ Thượng.

Bên Kẻ Hạ có chợ Hạ, bên Kẻ Thượng có chợ Thượng, là hai chợ lớn của cả vùng. Sau năm 1945, có phong trào lấy tên các danh nhân chống Pháp nổi tiếng đặt tên cho quê của các vị danh nhân đó, xã đổi tên là Châu Phong, vốn là tên hiệu của cụ Phan Đình Phùng, quê ở làng Đông Thái, một làng trong xã.

Năm 1955, cải cách ruộng đất, có phong trào chia xã và đổi tên, xã chia đôi. Những xóm gần vùng đồi gọi là Đức Sơn. Mấy xóm dưới chỗ chúng tôi ở thì gọi là Đức Phong, giữ lại chữ Phong trong Châu Phong.

Chữ Đức là chữ đầu của tất cả các xã trong huyện Đức Thọ lúc đó. Sau này hợp nhất hai xã lại lấy tên Tùng Ảnh, theo tên làng Tùng Ảnh, xưa là một làng trong xã, là làng quê của Tổng bí thư Trần Phú và của hai ông Phan Anh, Phan Mỹ. Xã nổi tiếng là vùng “địa linh nhân kiệt“.

Trong xã, xưa và nay đều có nhiều người thành danh, nổi tiếng. Xã nằm dọc sông La. Sông La cùng với sông Ngàn Sâu bọc quanh xã. Đầu xã là bến Tam Soa (ba giải lụa, nơi hợp lưu của sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố thành sông La), nơi hai danh nhân La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Hoàng giáp Bùi Dương Lịch thường đi thuyền gặp nhau, neo thuyền trên bến chơi cờ.

Trên bến có đền Linh Cảm, tức đền thờ Đinh Lễ, một danh tướng chống Minh, đi vào sâu hơn là chùa Đá (Thạch Động tự). Giữa sông La có bãi Ngưu Chử, vì xưa có chợ trâu bò ở đó, dân làng thì gọi là bãi Soi.

Sông La - đoạn sông qua làng.

Những năm đầu của thập niên 1930 làm đê La Giang, dọc theo bờ đê, người ta cho xây các bậc đá xuống sông. Chiều đến mọi người xuống tắm giặt, rất là vui. Giữa xã có chợ, gọi là chợ Hạ ở ngay cạnh sông. Chợ có một cái nhà to gọi là đình chợ Hạ, để cho những người bán hàng tơ lụa vải vóc, hàng xén và hàng khô bày hàng.

Bốn góc chợ là 4 cây đa to. Dọc bờ đê trồng một hàng phượng đỏ, mùa hè đỏ rực bờ đê. Những ngày phiên chợ, ngày 1, 3, 5, 8, thuyền các nơi về đậu kín bến sông La. Cạnh chợ có sân vận động, người ta nói, sân vận động được xây dựng theo phong trào thể thao đầu những năm 1940.

Gần đó là đền và chùa Trinh Liệt, dân gọi là đền Cao Các. Bên sông, gần giữa xã là dinh của cụ Hoàng Cao Khải xây theo kiểu xưa có lầu gác để ngắm cảnh sông nước, dân gọi là dinh cụ Quận, bởi cụ được vua phong là Duyên Mậu quận công. Sau khi được phong thì được xây dinh theo quy định của triều đình.

Cuối xã là nhà thờ cụ Bùi Dương Lịch, một danh sĩ nổi tiếng cuối triều Lê đầu triều Nguyễn. Trong xã có 5 đình ở 5 làng: Tùng Ảnh, Trinh Nguyên, Đông Thái, Yên Hội và Yên Nội.

Là đất học, có nhiều người đỗ đạt làm quan nên trong xã có hai văn chỉ, thờ Khổng Tử và các bậc hiền nho, dân gọi là nhà thánh Yên Trung và nhà thánh Yên Đồng. Sau khi nho học suy vi, biến thành trường tiểu học của xã, hồi cấp 1, tôi học ở đó. 

Dân trong xã sống với nghề dệt, buôn bán, dạy học, làm thuốc, làm công chức, cho thuê ruộng (cho cày rẽ) và làm ruộng… Nghề dệt lụa là nổi tiếng nhất, lụa Hạ nổi tiếng khắp xứ Nghệ, được coi là sản vật đặc trưng của vùng.

Các làng ven sông La và Mai Hồ giàu có hơn các làng trên vùng đồi. Dân các làng trên đồi đa phần làm ruộng. Dân trong làng trong xã sống với nhau rất tình nghĩa. Nhiều dòng họ lại có ràng buộc qua quan hệ thông gia nên lại càng thân thiết hơn. Quan hệ giữa người cho thuê ruộng và thuê ruộng cũng rất vui vẻ thuận hòa, vì đã gắn bó với nhau nhiều đời nay. 

Một góc xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ). Ảnh: Thiện Lương

Tôi quê ở đó nhưng không sinh ra ở đó. Hồi ấy bố tôi làm việc ở Hà Nội, công chức ở Sở Hoả xa Đông Dương, nhà ở ấp Thái Hà. Mẹ tôi là con gái họ Bùi ở cùng xã. Thời con gái, bà học trong trường Đồng Khánh, ở Huế vì ông ngoại tôi làm việc trong đó.

Trước khi có tôi, mẹ tôi sinh ba lần, hai gái, một trai. Được gần 2 tuổi, các chị và anh tôi đều mất. Bà nội tôi đi xem bói, thầy bói bảo mẹ tôi tuổi Dần (bà sinh năm 1914, Giáp Dần), không nuôi được con, cho nên bà nội và bác ruột phải nuôi.

Khi có mang tôi, bà ngoại đón mẹ tôi từ Hà Nội về Vinh, gửi ở nhà ông Võ Văn T. là em ruột của bà ngoại và cũng là chú họ của bố tôi, để tiện bề sinh nở, vì có người nhà là bác sĩ làm việc ở nhà thương Vinh.

Tôi sinh ra ở Vinh là thế. Chẵn tháng, bà nội, bà ngoại đón đưa về quê, bà nội và bác gái ruột chăm. Bác gái tôi góa chồng từ năm 24 tuổi, chỉ có một người con gái, bác ở vậy nuôi con, nay chăm thêm cháu. Mọi người nói, bà nội chăm tôi kỹ lắm.

Tôi còn nhớ, vườn của nhà bà nội rất rộng, chồn thường làm tổ trong vườn, thỉnh thoảng vẫn bắt được. Chim rất nhiều, có cả bìm bịp. Bà tôi cấm mọi người bắt và đuổi bìm bịp, bảo để nó bắt rắn.

Vườn nhà nằm trên khu đất cao. Từ đường làng có 3 bậc đá để đi lên cái cổng sơn xanh có 2 cánh. Bà nội tôi kể, ngày chưa có đê La Giang, mùa lụt nước chỉ lên đến cổng. Năm nào lụt to, nước mới lên đến sân, không vào nhà.

Ông nội tôi xưa làm nghề thuốc và dạy học, ông mất đầu năm 1945. Người làng vẫn nói ông là người hiền từ nhân đức. Ông vẫn dạy học miễn phí cho con em người làm trong nhà, người cày ruộng thuê, con nhà nghèo.

Bà nội tôi làm nghề dệt, nhà có 5-6 khung cửi, phải thuê thợ dệt. Bà có riêng ngôi nhà ngang để đặt khung cửi. Nhà lại có ít ruộng cho thuê để lấy gạo ăn cho người nhà và người làm. Nhà ông bà lúc nào cũng đông vui. Quan hệ giữa người làm và người nhà gắn bó với nhau đến 2, 3 đời.

Năm 1951, xã bị máy bay Pháp ném bom. Đó là trận bom để lại trong tôi ấn tượng kinh hoàng. Cả nhà tôi tránh bom trong căn hầm xây bằng gạch từ hồi bắt đầu "tiêu thổ kháng chiến", bằng vật liệu từ các căn nhà bị tiêu thổ.

Căn hầm cứ rung lên, tôi nằm nép chặt vào bà nội. Máy bay Pháp ném bom khu đồi thông, bến phà Linh Cảm và chợ Hạ. Trên Linh Cảm bị nặng nhất, có nhiều người chết. Có một quả bom nổ gần nhà tôi. Đình chợ Hạ bị sập mái. Ngôi nhà chính (nhà dọc) của bà nội cũng bị sập mái, bà cho dỡ ra, xếp khung gỗ lại, mọi người xuống ở nhà phụ (nhà ngang) và lên nhà thờ. Nghề dệt lúc này cũng bắt đầu sa sút nên bà dẹp bớt khung cửi. 

Sau trận bom đó, làng quê lại trở về cuộc sống yên bình. Trong làng vẫn giữ được nếp sống cũ. Khi được 6 tuổi, đã đủ tuổi để nhớ và biết, bà nội thường đưa tôi đi các đám giỗ, lễ ở các nhà trong họ Võ, bên họ Trần, họ Phan Đình và các nhà thông gia để biết quan hệ họ hàng và học lễ nghĩa vì tôi là cháu trai trưởng.

Bà nội tôi là con gái họ Trần dưới Bùi Xá, nhưng lại được ăn hương hoả bên họ ngoại, họ Phan Đình, Đông Thái, họ của cụ Phan Đình Phùng nên rất gắn bó với bà con bên đó.

Bà thường đưa tôi đi lễ nhà thờ bên họ Phan Đình. Mỗi lần đi lễ, có cô út hoặc một người nhà đi theo ôm cái tráp nhỏ bằng gỗ khảm xà cừ có phủ lụa đỏ đựng tiền lễ. Đến nơi bà bảo tôi hai tay đỡ tráp nâng cao ngang đầu đặt lên bàn thờ và dặn: “Đến đời cháu vẫn phải nhớ lễ”.

Nhà thờ họ - kiến trúc đầu thế kỷ 19.

Bà ngoại thì hay đưa đến các đám lễ, Tết của họ Bùi, họ Kiều và các nhà thông gia bên bà ngoại. Các dòng họ trong làng trước đây đều có người đỗ đạt, làm quan. Dân làng phần lớn theo Nho giáo và Phật giáo. Các dòng họ trong làng rất coi trọng nề nếp gia phong nên rất giữ lễ nghĩa. Qua đó mà tôi học được lễ, nghĩa của người xưa trong cách chào hỏi, trong khi ăn uống và lúc giao tiếp.

Khi hầu chuyện người lớn đều phải dùng kính ngữ, có thưa gửi lễ phép. Bà nội, bà ngoại cũng dạy tôi về các mối quan hệ họ hàng, thông gia của bên nội, bên ngoại. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, vẫn thuộc. Người lớn vẫn khen tôi là đứa trẻ biết lễ. Đến thời cải cách ruộng đất, các lễ nghĩa đó bị loại bỏ, cho là lễ giáo phong kiến. Thuần phong mỹ tục bị mai một từ đó! 

Đón người tản cư

Mẹ tôi kể, khoảng trước năm 1950 là thời kỳ làng quê tôi rất vui. Hồi đó một phần của trường Quốc học Huế chạy tản cư ra Bắc, về đóng ngay làng. Sau này đổi tên, gọi là trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Dân làng hay gọi là trường Chuyên khoa.

Trường được xây dựng bằng tranh tre ngay cạnh sân vận động của xã, gần nhà bà nội tôi. Học sinh và giáo viên thì ở trong nhà dân. Mọi người hay gọi là học trò chuyên khoa, thầy giáo chuyên khoa. Rồi nhiều người làng làm việc tại Hà Nội cũng tản cư về làng, họ kéo theo bạn bè cùng về. Biết mẹ tôi là học sinh cũ của trường Đồng Khánh ở Huế nên mọi người hay qua lại trò chuyện. Trong nhà luôn rộn ràng vui vẻ.

Sau trận bom năm 1951, trường Chuyên khoa chuyển sang Đô Lương, Nghệ An, nhập vào trường Quốc học Vinh đang tản cư lên đó. Làng vắng hơn, nhưng vẫn vui.

Sau khi vùng đồng bằng Bình Trị Thiên bị người Pháp chiếm, đường giao lưu Nam Bắc là đường 15 bây giờ. Đường 15 chạy qua xã, xã tôi lại trở thành nơi dừng nghỉ lấy sức của các đoàn cán bộ, bộ đội từ Bắc vào Nam và ngược lại. Châu Phong - chợ Hạ trở thành địa danh có tiếng. Người vào Nam ra Bắc thời đó ai cũng biết. 

Người qua lại đông, dân làng, người tản cư về mở hàng quán quanh chợ Hạ và sân vận động của xã, hình thành nên xóm chợ. Tôi còn nhớ mấy nhà hàng chính ở xóm chợ: chú Vinh chuyên sửa chữa và bán bút máy, người lớn gọi là Vinh Bút, chú Đạt sửa xe đạp, đều là người làng. Cửa hàng cá tôm khô và nước mắm của ông Linh Khổn ở cửa Nhượng ra. Hai lò rèn của hai ông thợ người Trung Lương lên, ông cu Bảy và ông cu Nậm. Có một người quét dọn chợ mà hai anh em tôi rất sợ, nhìn thấy từ xa là phải chạy trốn, tên ông là Kế Lai. Cũng có nhiều quán ăn và quán nước. 

Mọi người nói, trong các quán đó, quán nước của anh cu Hai là có tiếng nhất, tên kẹo Cu Đơ là có từ đấy. Mẹ tôi kể lại, anh cu Hai không phải người làng. Anh ở dưới Vinh lên. Khi Vinh "tiêu thổ kháng chiến", anh tản cư lên chợ Hạ. Anh mở quán cà phê, bán thuốc lá, bánh kẹo. Toàn là đồ sang để bán cho thầy và trò trường Chuyên khoa và dân làng từ Vinh, ngoài Bắc tản cư về.

Anh học cách nấu kẹo lạc của người bên Thượng (chợ Thượng). Thời đó, kẹo lạc của người bên Thượng nấu xong đổ lên lá chuối khô hoặc giấy bản cứng, khi ăn rất khó bóc. Bên cạnh quán nước của anh có bà bán bánh tráng vừng (bánh đa). Anh nấu kẹo xong thử đổ lên bánh tráng, ăn thấy ngon. Anh làm bán cho khách, ăn xong ai cũng khen. Mọi người gọi luôn là kẹo cu Hai.

Khách ăn của anh chủ yếu là thầy trò trường Chuyên khoa và những người có học của làng mới tản cư về, họ đều sính tiếng Pháp. Thấy gọi tên kẹo cu Hai nghe không hay, họ đổi gọi là kẹo Cu Đơ, theo tiếng Pháp, nghe hay hơn. Khi trường Chuyên khoa chuyển đi, anh cu Hai cũng đi. Cách làm kẹo vẫn ở lại. Nay kẹo Cu Đơ trở thành đặc sản của Hà Tĩnh.

Từ sau năm 1952, người ra vào Nam, Bắc càng đông, làng càng vui, lại thêm người lên chiến trường Bắc Lào cũng qua làng theo đường 8. Tôi nhớ nhất hồi đoàn văn công quân đội đóng ở làng. Trong đoàn có cô Tân Nhân, hát rất hay. Làng hồi đó rất hay họp, vì là đất văn vật truyền thống và là vùng tự do (hồi đó vùng do ta kiểm soát gọi là vùng tự do, vùng do Pháp kiểm soát gọi là vùng tạm chiếm hay vùng tề).

Họp để thông báo tình hình, nhắc nhở mọi người giữ gìn truyền thống, mọi người rất hồ hởi, tự hào tham gia, thu hút từ các nhân sĩ công chức đã nghỉ hưu đến người bình dân.

Họp toàn thể thì gọi là họp nhân dân, rồi thì họp hội phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ… Họp phụ nữ và họp nhân dân thì sẽ có cô Tân Nhân hát. Tôi luôn đòi đi theo mẹ để nghe cô hát. Mẹ tôi rất quý cô và hay nói chuyện với cô vì cô là học sinh lớp sau của trường Đồng Khánh. 

Tháng 5/1954 tin chiến thắng Điện Biên Phủ về đến làng, cả làng chung nhau mổ bò liên hoan. Tháng 7/1954 ngày hoà bình lập lại, một không khí vui như hội tràn ngập khắp làng. Mọi người lấp các hố tránh bom được đào dọc đường làng và trong vườn nhà.

Đám thanh niên thì học các bài hát mừng hoà bình mới được sáng tác nhanh và những bài hát được sáng tác chào mừng Tháng hữu nghị Việt-Trung-Xô được tổ chức cách đó mấy tháng. Bọn trẻ chúng tôi ra xem và hát theo. Có người còn lấy bài đó làm điệu nhảy, dạy mọi người tập nhảy. Có nhiều người luống tuổi ở xóm chợ cũng nhảy theo. Tôi còn nhớ mấy câu của một bài hát: 

“Hoà bình tưng bừng từ Liên Xô về muôn phương. Toàn dân ta ca vang hữu nghị... Việt-Trung-Xô kết đoàn muôn ngàn năm…”.

Từ ngày đó đến nay, mới được 69 năm! Muôn ngàn năm còn lâu lắm!

Mùa thu 1954, các đoàn bộ đội cán bộ tập kết từ Nam ra theo đường bộ dừng lại làng. Bộ đội Lào từ Nam Lào tập kết lên 2 tỉnh Thượng Lào cũng dừng lại làng. Lấy làng làm điểm nghỉ dưỡng để đi tiếp. Mọi người ở trong nhà dân. Đình làng làm bếp và nhà ăn, nơi sinh hoạt chung. Làng vui như hội. Nhất là đám trẻ chúng tôi, ở đâu cũng có các chú bộ đội Lào hoặc Việt chơi cùng. Thời gian này, tôi và em trai cùng vào học lớp 1 ở trường trong làng. Vì bom đạn, mẹ cho tôi đi học chậm hơn 1 năm. Lớp học ở trong nhà thánh Yên Trung. 

Mọi việc trôi nhanh. 

Sang mùa đông năm 1954, không khí trong làng chùng xuống, làng trở nên im lặng hơn. Không còn rộn ràng như trước. Mọi người nói chuyện bên Nghệ An, ngoài Phủ Diễn đang cải cách ruộng đất. Hình như bắt đầu sang trang khác!