Paris, 40 năm sau ngày ký Hiệp định lịch sử để mở ra con đường kết thúc chiến tranh Việt Nam, những ký ức vẫn còn nhưng dù đang mờ dần theo năm tháng.

Người cận vệ già

Đã ở tuổi ngoài 70 nhưng Pierre Gueguen vẫn có vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn mà ai mới gặp ông lần đầu sẽ nghĩ rằng ông mới tầm sáu chục. Nghỉ hưu từ nhiều năm nay, Pierre sống bình lặng và yên ả cùng người vợ trong một ngôi nhà rộng rãi ở thành phố Verriere-le-Buisson. Trong khu vườn của mình, Pierre trồng nhiều loài cây lạ so với khí hậu ôn đới châu Âu. Có xoài của Bờ Biển Ngà, và thậm chí có cả một cây bao báp châu Phi đang ươm giống. Sống thong thả đặc trưng như một công chức Pháp về hưu, mối quan tâm duy nhất của vợ chồng Pierre bây giờ là hoạt động của một Quỹ từ thiện do vợ ông làm Chủ tịch nhằm quyên góp tiền xây trường học và hỗ trợ các dự án nông nghiệp nhỏ ở Burkina Faso. Ngoài ra là câu cá. Đó là đam mê và cũng là trách nhiệm của Pierre bởi ông là Chủ tịch Hội câu cá thành phố Verriere-le-Buisson. "Gọi là Chủ tịch cho vui thôi, chứ thực ra việc chính của tôi là để mắt đến cái hồ cá, không cho những người không có giấy phép vào đó câu trộm" - Pierre nói.

Cuộc đời luôn có những điều khó lý giải mà đôi khi vẫn được gọi bằng cái tên "định mệnh". Cái hồ mà Pierre dành trọn đam mê tuổi già đó chỉ cách vài bước chân với một địa danh mà Pierre nói rằng đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời ông thời trẻ, thậm chí nó thay đổi cuộc đời ông. Ở nơi đó, từ hồ cá băng qua con đường, là ngôi nhà số 17 phố Cambeceres, nơi lưu lại của phái đoàn Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris. Nơi đó, hơn 40 năm trước, cũng là "nhà" của Pierre. Ông đã có không biết bao nhiêu ngày ở trong ngôi nhà đó 20/24h mỗi ngày, với tư cách là nhân viên bảo vệ an ninh cho phái đoàn.

Ông Pierre bên các kỉ vật

"Tôi đã làm việc cùng phái đoàn Mặt trận trong 3 năm. Những nhân viên an ninh như chúng tôi phải để ý và làm tất cả những việc chi li nhất, kiểm tra từng bụi cây, từng thanh sắt hàng rào. Hàng ngày, chúng tôi dẫn và bảo vệ đoàn đến các nơi đàm phán, kiểm tra thư từ, mang các bài viết của phái đoàn đến các tòa soạn báo trong Paris như L'Humanité hay Le Monde. Chúng tôi ăn ngủ luôn trong căn phòng dành cho bộ phận phát thanh của phái đoàn. Chúng tôi sống như một gia đình" - Pierre bồi hồi.

Vài chục năm trôi đi, ngôi biệt thự đẹp rộng đến hơn 1000m2 nằm trên sườn đồi đó đã trải qua nhiều đời chủ, nhưng thói quen của Pierre thì vẫn không đổi. Cứ rảnh rỗi là ông lại đi bộ ra hồ cá, thơ thẩn bên hồ rồi lại bước sang bên kia đường, lặng lẽ đứng ngắm ngôi nhà và chìm trong hồi tưởng.

Bộ tem bà Nguyễn Thị Bình mà ông Pierre sưu tầm

Một lần như thế, khi đang quần đùi, áo phông đi bộ quanh hồ, bà Nguyễn Thị Bình xuất hiện trước mặt ông. "Tôi không tin vào mắt mình. Bà Bình có việc đi công tác qua Paris nên ghé thăm lại ngôi nhà. Tôi gặp lại bà mà không thốt nên lời".

Bà Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ nổi danh của Hiệp định Paris, thực ra luôn hiện diện trong cuộc sống gia đình ông. Từ nhiều năm nay, vợ chồng Pierre đang loay hoay dịch một cuốn sách viết về bà Bình, được viết từ tiếng Tây Ban Nha, sang tiếng Pháp.

Pierre có một bộ tem quý in hình bà Bình, có bằng khen mà bà tặng, có chiếc huy hiệu mang cờ Mặt trận, và có tất cả những hình ảnh về Việt Nam thời đó mà ông lưu giữ được. "Đó là những ngày đáng nhớ nhất đời tôi" - Pierre nghẹn ngào.

Thời gian không còn nhiều để những nhân chứng sống như Pierre được thổ lộ điều đó.

Những mảnh ghép quá khứ

40 năm đã qua, những chứng nhân lịch sử không còn bao nhiêu. Những con người quan trọng của thời kỳ đó, hoặc đã qua đời vì tuổi tác, hoặc không còn nhớ được gì vì chứng bệnh tuổi già. Bản vẽ ký ức về Hiệp định Paris, vì thế, bắt đầu xuất hiện những chấm mờ.

Ở Gif -sur-Yvette, Bernard Minier sống một mình trong căn nhà Maison du Gros Tilleul. Là một nghệ sỹ nhiếp ảnh có tiếng với các tác phẩm nude, Bernard đã biến ngôi nhà của mình thành một studio phong cách. Chỉ có mặt tiền ngôi nhà là vẫn giữ nguyên bởi Bernard hiểu rõ giá trị lịch sử của nó.

Tấm biển trước nhà Gif-sur Yvette

Hơn 40 năm trước, tại Ngôi nhà Gros Tilleul này, cố vấn Lê Đức Thọ đã có những cuộc gặp bí mật với Henry Kissinger để bàn về những bước tiến trong đàm phán. Ngôi nhà nhờ đó mà nổi danh khắp thế giới, lúc nào cũng có hàng trăm phóng viên báo chí quây bên ngoài để chụp được những khoảnh khắc dù là nhỏ nhất của cuộc đàm phán lịch sử.

Nó càng nổi tiếng hơn khi cách một hàng rào, ở ngôi nhà bên cạnh cũng có những cuộc gặp của một nhóm người Việt bàn cách đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam.

Ngôi nhà kế bên đó là của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, nhà vật lý Việt kiều nổi danh với "Gặp gỡ Việt Nam".

Ngôi nhà Gif-sur Yvette

Là một người tự coi là thế hệ sau, dù thời trẻ cũng từng xuống đường ủng hộ Việt Nam, Bernard Minier thừa nhận rằng ông không biết người ta còn nhớ đến ngôi nhà trong bao lâu nữa. Những hàng chữ trên tấm biển đặt trước cổng ngôi nhà, ghi lại lịch sử gặp gỡ Lê Đức Thọ - Kissinger, dần bạc phếch theo thời gian. Thi thoảng có một vài đoàn Việt Nam và một vài cựu binh Mỹ đến thăm, còn với người dân bản địa, hay chính những người Pháp từng có liên hệ với ngôi nhà này, ký ức cứ nhạt dần.

Ngôi nhà ở  thành phố Verriere-le-Buisson

Dẫu sao, Gros Tilleul, nhờ lịch sử của nó gắn với nhiều người nổi tiếng, như họa sỹ Fernand Léger, nhà thơ André Verdet, và cuộc gặp Lê Đức Thọ - Kissinger, sẽ còn được nhắc đến với diện mạo thưở xưa. Có những nơi, như khách sạn Majestic ở số 19 đại lộ Kleber (quận 16, Paris), nơi diễn ra các cuộc đàm phán 4 bên, đã mãi mãi biến mất. Ở đó, từ cuối năm 2011, tòa nhà đã bị đập đi để sau 2 năm nữa, nơi đó sẽ mọc lên một khách sạn 5 sao tráng lệ với cái tên mới - Peninsula.

Chỉ có ở Choisy le Roi là ký ức được giữ lại trọn vẹn nhất. Thành phố từng một thời gian dài được coi là thành trì của đảng Cộng sản Pháp, nơi nhiều đời Thị trưởng là đảng viên Cộng sản. Có lẽ vì thế, Choisy le Roi cũng là nơi có nhiều người vẫn mang nặng tình cảm với Việt Nam.

Ngôi nhà số 11 phố Darthe, nơi phái đoàn VNDCCH đàm phán với phía Mỹ, còn như nguyên vẹn. Khu nhà tập thể, nơi ở của các cán bộ trong phái đoàn cũng không thay đổi gì, ngoài màu sơn. Và một quảng trường mới vừa được hoàn thành mang tên quảng trường "Hiệp định Paris".

Ở thành phố phía Nam Paris này, 5 năm lưu lại của phái đoàn VNDCCH là quãng thời gian nhiều kỷ niệm và có nhiều số phận gắn bó với nhau từ sự kiện này. Hội hữu nghị Việt-Pháp thành phố Choisy le Roi vẫn hàng năm trao học bổng cho học sinh tiếng Pháp trường tiểu học Nam Thành Công và 2013 cũng được Choisy le Roi chọn là năm Việt Nam của thành phố với nhiều hoạt động chào mừng.

40 năm, vẫn còn sự hiện diện của những con người của lịch sử. Đến 50 năm, có lẽ tất cả họ đều trở thành quá khứ.

Bùi Nguyễn (từ Paris)